Trưa 7/5, Trương Thị Thùy Dung cùng các bạn lớp 12 trường THPT Quỳnh Lưu I, tỉnh Nghệ An hò reo, đồng loạt tháo khẩu trang khi biết tin Thủ tướng đồng ý bỏ quy định đeo khẩu trang trong lớp học. "Em cảm thấy dễ thở và nghe rõ thầy cô giảng bài hơn", Dung chia sẻ.
Học sinh THPT tại Nghệ An đi học từ ngày 27/4. Những ngày qua, từ 8h đến 18h, nhiệt độ xấp xỉ 38-40. Phòng học không điều hòa, lại phải đeo khẩu trang, Dung thấy nóng bức, đau đầu và khó thở, chỉ lo bị ngất.
Cũng như Dung, Nguyễn Ngọc Tùng, lớp 12 trường THPT Thái Phiên, TP Hải Phòng đã cất khẩu trang vào cặp trong buổi học chiều 7/5, chỉ dùng khi đi đường cho đỡ nắng. "Với tư thế thoải mái, không bị phân tâm bởi việc khó thở, em tập trung vào bài giảng của thầy cô hơn", Tùng chia sẻ.
Trở lại trường từ 23/4, lớp được chia làm hai, Tùng học ca chiều. Vì mặt khá to, lại đeo khẩu trang liên tục trong thời gian dài, tai của em đau nhức. Một vài lần không chịu được, Tùng tự bỏ khẩu trang khi đang học nhưng bị thầy cô nhắc nhở phải đeo để đảm bảo an toàn cho bản thân và các bạn xung quanh.
Tại Phú Thọ, Nguyễn Đức Bình, lớp 11 trường THPT Trần Phú ngày nào cũng phải đeo khẩu trang từ khi đi học hôm 23/4. Ngồi trong lớp chỉ với bốn chiếc quạt trần, giữa nắng nóng 35 độ C ba ngày qua, Bình ước được bỏ khẩu trang cho đỡ ra nhiều mồ hôi. Không dám bỏ hẳn vì sẽ bị nhắc nhở, thỉnh thoảng Bình vẫn phải kéo xuống một lúc để lau mặt và "hít thở cho thoải mái".
"Nghe tin không bắt buộc học sinh đeo khẩu trang trong lớp, em mừng lắm", Bình nói. Hai tuần qua, lớp học 42 bạn của Bình được chia làm hai ca sáng và chiều để thực hiện giãn cách. Hôm nay, nhà trường quyết định sẽ không chia ca nữa, Bình nửa vui, nửa tiếc. Em cho rằng việc chia lớp sẽ giúp lớp học thoáng và mát hơn, bàn bốn người được giảm xuống còn hai cũng đỡ chật chội. Tuy nhiên, việc chia ca khiến cả lớp không được gặp mặt đông đủ, thầy cô vất vả hơn.
Cô Lê Thị Thu Lan, giáo viên lớp 5 một trường tiểu học ở Hà Nam cũng vui mừng khi không còn phải đeo khẩu trang trong lúc giảng bài. Cô Lan bị hạt sơ dây thanh đã gần 10 năm khiến giọng khàn và không nói được to. Do phải dạy cả ngày, lại đảm nhận hết các môn chính khóa và cố gắng nói to hơn qua lớp khẩu trang, cô Lan luôn đau rát họng.
Mùa hè, lớp học nằm trên tầng hai "nóng hầm hập", cô Lan kể cả cô và học trò đều vã mồ hôi. "Nhiều khi học sinh nóng quá, lưng áo ướt hết nên tháo khẩu trang, tôi thấy thương nên không nỡ nhắc các em đeo nữa", cô Lan kể và cho rằng việc bỏ khẩu trang giúp cô và trò dễ chịu hơn, dạy và học sẽ tốt hơn.
Ở Hà Nội, cô Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, cho rằng chỉ đạo của Thủ tướng cho thấy nhiều điều. Một là tình hình Covid-19 ở Việt Nam được kiểm soát tốt. Hai là việc không bắt buộc giãn cách sẽ giúp các nhà trường tập trung mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng dạy và học.
Tại trường Nguyễn Du, từ sáng nay nhà trường đã đổi khẩu lệnh tuyên truyền từ bắt buộc sang khuyến cáo học sinh đeo tối đa có thể để phòng bệnh cho bản thân. Việc tháo khẩu trang giúp giáo viên và học sinh dễ chịu hơn nhưng nhà trường vẫn khuyến cáo đeo vì nó cần thiết để phòng Covid-19 và đảm bảo sức khỏe cho học sinh. Trường cũng bật điều hòa từ 9h30.
Về việc giãn cách, cô Lý cho biết hiện nhà trường vẫn chia các lớp thành hai ca sáng và chiều, chỉ dạy học sinh chương trình chính khóa, không tổ chức dạy thêm hay bổ trợ ngoại ngữ. Việc chia ca khiến giáo viên rất vất vả, nhà trường phải giảm số tiết học trên lớp, chưa thực hiện được việc rà soát và ôn lại kiến thức những phần đã dạy online. Điều này khiến nhiều phụ huynh, đặc biệt phụ huynh khối 9 lo lắng bởi các con đang trong giai đoạn nước rút trước kỳ thi vào lớp 10.
Tại TP HCM, thầy Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng THPT Trần Hữu Trang, cảm thấy nhẹ nhõm vì "gỡ được bài toán khó". Với gần 1.000 học sinh, 21 lớp ở ba khối, ban giám hiệu phải chia lớp, bố trí lệch giờ học để đảm bảo giãn cách khi các em đi học từ 4/5. Việc này khiến trường không tổ chức được hoạt động dạy hai buổi mỗi ngày vì khuôn viên chật, không đủ phòng học.
Thầy Cang cho biết sau gần một tuần đón học sinh, tình hình học tập ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt, nên việc nới lỏng giãn cách trong trường là cần thiết. Điều này sẽ khiến nhịp độ học tập trở lại như cũ, ổn định để hoàn thành chương trình học kỳ II.
Hiện trường vẫn lên kế hoạch đón học sinh lớp 10, 11 vào ngày mai theo kế hoạch cũ và chờ hướng dẫn mới từ thành phố. "Tất nhiên vẫn không thể lơ là chống dịch, các biện pháp rửa tay, đứng cách xa nhau, hoặc đeo khẩu trang ở chỗ đông người... vẫn được nhắc nhở đến học sinh thực hiện", thầy nói.
Cô Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp, cho biết nếu được nới lỏng giãn cách, thời khóa biểu của 26 lớp với gần 1.700 học sinh sẽ trở lại bình thường. Trường sẽ tổ chức lại bán trú cho hơn 700 học sinh. "Điều này sẽ tạo điều kiện bố trí cho học sinh trở lại trường, nhất là những nơi có điều kiện vật chất nhỏ như trường chúng tôi. Tổ chức được bán trú cũng giúp phụ huynh yên tâm hơn", cô nói.
Hiện với kế hoạch cũ, trường vẫn tính phương án chia đôi các lớp học. Ngày mai, 10 lớp ở hai khối 4 và 5 được tách đôi, học lệch ca. Một nhóm học các thứ hai, tư, sáu thì nhóm còn lại học thứ ba, năm, bảy, kết hợp với học trực tuyến một số môn.
Trước đó ngày 28/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành bộ 15 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống Covid-19 trong trường học. Nhà trường phải đảm bảo giãn cách trong và ngoài phòng học, lớp học, phòng làm việc, phòng chức năng, phòng sinh hoạt theo quy định của Chính phủ (giãn cách tối thiểu một mét). Học sinh phải đeo khẩu trang đúng cách trong thời gian ở trường.
Đến sáng 7/5, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu các trường phải định kỳ mở cửa sổ, cửa chính để thông thoáng khí, tăng cường các biện pháp lau khử khuẩn bề mặt, vệ sinh phòng, lớp học, nhà vệ sinh. Học sinh phải giữ vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay. Các trường được bật điều hòa, nhưng phải định kỳ mở cửa sổ, cửa chính để thông thoáng khí.
Đến ngày 7/5, 63 tỉnh, thành đã cho hàng chục triệu học sinh đi học trở lại sau ba tháng nghỉ phòng Covid-19, chủ yếu là học sinh THCS và THPT. 21 ngày qua, Việt Nam không xuất hiện ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Số người mắc bệnh là 271, trong đó 232 người đã khỏi.
Thanh Hằng - Dương Tâm - Mạnh Tùng