Dưới sự hướng dẫn của GS. TS. Lê Anh Vinh và thầy Đỗ Đức Lân - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Lê Minh Đức (Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ - Hà Nội) đạt giải Vàng; Hoàng Bảo Ngọc (Trường Quốc tế Song ngữ Victoria Nam Sài Gòn - TP HCM) và Lê Mai Jenifer của (Trường THCS Vinschool Metropolis - Hà Nội) nhận giải Bạc.
Giải Đồng thuộc về Phan Trâm Anh (Trường Quốc tế Song ngữ Victoria Nam Sài Gòn). Em Trần Nguyễn Châu Anh (Trường Quốc tế Song ngữ Victoria Nam Sài Gòn) là một trong 8 thí sinh giành giải cá nhân xuất sắc.
Hội trại chia thành 30 đội liên quốc gia. Mỗi đội gồm ba đến bốn học sinh từ các nước khác nhau và cùng thực hiện nghiên cứu một trong bốn đề tài: Thu hoạch năng lượng bằng năng lượng tái tạo; Mức độ CO2 và tác động đối với biến đổi khí hậu; Tác động của biến đổi khí hậu đến đa dạng sinh học và chiến lược bảo tồn; Phân tích và dự đoán các thay đổi qua khám phá dữ liệu thu thập.
Sau thời gian 5 ngày làm việc, các đội tham gia thuyết trình dự án trước ban giám khảo là những chuyên gia đầu ngành đến từ 8 trường đại học Hàn Quốc, gồm: Đại học Quốc gia Giáo dục Seoul, Đại học Quốc gia Giáo dục Gyeongin, Đại học nữ sinh Ehwa, Đại học Gachon, Đại học Hàn Quốc, Đại học Kyonggi, Đại học Kyungpook.
Sau đó, 8 đội xuất sắc tiếp tục thuyết trình tại vòng Chung kết với hai đội một chủ đề. Mỗi chủ đề có ba giải dự án đồng đội (vàng, bạc, đồng). Kết quả có tổng số 12 giải dành cho dự án liên quốc gia.
Phan Trâm Anh - Trường Quốc tế Song ngữ Victoria Nam Sài Gòn chia sẻ, cuộc thi là nơi các em phát huy điểm mạnh của bản thân, kết nối giao lưu với những bạn trẻ tài năng, bản lĩnh ở các quốc gia, học hỏi, trải nghiệm nhiều hoạt động.
"Qua đây, em được thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học trong nước và liên quốc gia bằng cách sử dụng dữ liệu tự thu thập, dữ liệu nội địa quốc gia liên quan đến chủ đề và các bài giảng, hướng dẫn được cung cấp trong suốt thời gian diễn ra chương trình", nữ sinh nói thêm.
Thạc sĩ giáo dục David Perkin - Hiệu trưởng chuyên môn trường Victoria Nam Sài Gòn cũng cho biết, qua hội trại ASEAN+3, ông có thể thấy học sinh đang từng bước vươn ra thế giới, cùng các bạn trẻ quốc tế thể hiện khả năng trong lĩnh vực khoa học môi trường nói chung, các mối đe dọa môi trường và giải pháp bảo vệ nói riêng.
"Điều này không chỉ quan trọng trong bối cảnh xu thế ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) lan rộng mạnh mẽ, không còn giới hạn ở phạm vi doanh nghiệp. Đây cũng là động lực để các em nhận diện tiềm năng và theo đuổi nghề nghiệp tương lai", ông nhấn mạnh.
Hội trại năng khiếu khoa học ASEAN+3 diễn ra từ ngày 17 đến 23/12. Chương trình có sự tham gia của 104 học sinh, 25 giáo viên hướng dẫn đến từ 10 nước Đông Nam Á (Brunei, Campuchia, Indonesia, Việt Nam, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippine, Singapore, Thái Lan) và Hàn Quốc, Trung Quốc, Thụy Điển.
Đây là là cuộc thi khoa học ứng dụng danh tiếng, được tổ chức định kỳ dưới sự bảo trợ của Hiệp Hội giáo dục khoa học Hàn Quốc (Korean Federation of Science Education Societies) cho học sinh từ 13 đến 15 tuổi say mê nghiên cứu khoa học, có kỹ năng tiếng Anh và làm việc nhóm. Chương trình hướng tới tạo ra những sản phẩm sáng tạo thông qua hoạt động dự án liên quốc gia.
ASEAN+3 năm nay có chủ đề "Khoa học bền vững và vai trò của các nhà khoa học", nội dung đang được Chính phủ và doanh nghiệp các nước quan tâm sau Hội nghị COP 28. Đồng thời, hội trại đã tập hợp những học sinh có năng khiếu khoa học - công nghệ để hợp tác và thể hiện kỹ năng trong môi trường thách thức; tạo cơ hội cho giáo viên tham dự chuỗi hội thảo, thảo luận chuyên sâu và tiếp thu ý tưởng mới qua các hoạt động do Trung tâm Năng khiếu Khoa học ASEAN+3 thực hiện.
Thiên Minh