Tối 21/5, Ban tổ chức cuộc khi Khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF) công bố các dự án đoạt giải chính thức. Tại lĩnh vực Kỹ thuật cơ khí, dự án "Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần" của Đức Linh và Đức An đã giành giải ba, xếp chung hạng với thí sinh đến từ Mỹ, Trung Quốc, Australia, Thuỵ Sĩ.
Đây là dự án duy nhất trong 7 dự án của đoàn học sinh Việt Nam đoạt giải chính thức trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm nay, cũng là lần đầu tiên học sinh Bắc Ninh đoạt giải ba ở sân chơi này. Đức Linh và Đức An sẽ nhận được giải thưởng trị giá 1.000 USD (khoảng 23 triệu đồng).
Ngoài giải ba chính thức, hai dự án khác của học sinh Việt Nam giành ba giải bên lề. Hai học sinh Huỳnh Đăng Khoa và Lê Anh Châu, trường THCS Nguyễn Tri Phương (Thừa Thiên Huế) được Hội Toán học Mỹ tặng bằng khen với dự án "Kích thích tư duy toán học thông qua hệ thống bài tập Hình học và trò chơi được thiết kế bằng phần mềm Scratch".
Dự án "Khó khăn tâm lý trong học trực tuyến của học sinh trung học phổ thông" của Hoàng Việt Phúc, Vũ Phương Mai, trường THPT chuyên Lào Cai (Lào Cai) được Hiệp hội Tâm lý học Mỹ trao giải ba trị giá 500 USD, nhận bằng khen của Hiệp hội Thống kê Mỹ.
Vì Covid-19, cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm nay được tổ chức trực tuyến tại Mỹ trong bốn ngày 3-6/5 với sự tham gia của 1.500 dự án, 2.000 thí sinh đến từ hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đoàn Việt Nam có 7 dự án với 14 học sinh tham dự. Ban giám khảo của cuộc thi gồm hơn 1.000 giáo sư, nhà khoa học, kỹ sư, đại diện các trung tâm, cơ quan nghiên cứu hàng đầu thế giới. Đây là cuộc thi được đánh giá có mức độ cạnh tranh cao khi chỉ 25% dự án tham gia có giải.
Michelle Hua, Mỹ, giành giải cao nhất 75.000 USD với dự án nghiên cứu về mạng lưới thần kinh của con người. Hai giải 50.000 USD thuộc về Catherine Kim và Daniel Shen, đều là học sinh Mỹ. Bên cạnh ba giải lớn nhất, mỗi lĩnh vực sẽ có các giải nhất, nhì, ba, tư tương ứng với tiền thưởng 5.000, 2.000, 1.000 và 500 USD.
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế Intel (Intel ISEF) là chương trình của Society for Science & the Public (gọi tắt là SSP hoặc Society) - tổ chức phi lợi nhuận nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học thông qua giáo dục, có trụ sở tại Washington (Mỹ).
Năm 1950, cuộc thi khoa học này được tổ chức lần đầu với quy mô quốc gia tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania (Mỹ). Năm 1958, với sự tham gia của Nhật Bản, Canada và Đức, nó được mở rộng và hiện là cuộc thi khoa học quốc tế lớn nhất thế giới dành cho học sinh trung học (từ lớp 8 đến 12).
Thanh Hằng