Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) hôm 26/7 công bố báo cáo Giám sát giáo dục toàn cầu năm 2023. Với chủ đề công nghệ, báo cáo cung cấp dữ liệu về giáo dục của các quốc gia, mối quan hệ và tác động giữa công nghệ và giáo dục.
UNESCO đã khảo sát trình độ Đọc hiểu và làm Toán của học sinh giai đoạn 2019-2021 ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Kết quả cho thấy, trong 31 quốc gia thuộc nhóm này có dữ liệu năm 2019, Việt Nam có phần lớn trẻ em đạt mức thông thạo tối thiểu về khả năng Đọc hiểu, làm Toán với tỷ lệ lần lượt 91% và 81% khi kết thúc bậc tiểu học.
Trong nhóm này giai đoạn 2019-21, Việt Nam cùng Nga đứng hàng đầu với tỷ lệ học sinh tiểu học thông thạo Toán với 91%. Học sinh Nga có tỷ lệ Đọc hiểu tốt hơn, với 98%.
Trong khi đó, 18 quốc gia có tỷ lệ học sinh thông thạo Đọc hiểu và Toán chưa đến 10%. Chẳng hạn, Cộng hòa Chad chỉ có 1% học sinh thành thạo Toán, Madagascar 3%.
Xét trong khu vực Đông Nam Á, Lào có 2% học sinh thành thạo Đọc hiểu, 7,9% thành thạo Toán khi hết lớp 5. Các con số này tại Philippines, Myanamar và Campuchia đều chưa tới 20%, Malaysia cao hơn, dao động 58-64%.
Nhìn vào giáo dục Việt Nam, tháng trước, tờ Economist cũng dẫn lại số liệu từ Ngân hàng Thế giới, cho thấy khi xét về tổng điểm học tập, học sinh Việt không chỉ vượt trội so với các bạn ở Malaysia và Thái Lan, mà còn vượt Anh, Canada, những quốc gia giàu hơn gấp 6 lần.
Theo báo trên, truyền thống đầu tư học tập, giáo viên giảng dạy hiệu quả là những lý do giúp giáo dục Việt Nam trong nhóm tốt nhất thế giới.
Thanh Hằng