Đó là sự toàn diện khác biệt với các học sinh trên thế giới khi chỉ dự thi 1 môn Olympic Quốc gia rồi thi Olympic Quốc tế.
Trong kỳ thi Tú tài quốc tế (IB - International Baccalaureate), Lê Nguyễn Vương Linh đạt 44/45 điểm. Còn kỳ thi chuẩn hóa tuyển sinh vào bậc đại học của Mỹ SAT1 cậu được 2.330/2.400 điểm và 2.400/2.400 điểm thi SAT2.
Với những thành tích trên, nam sinh Hà Nội đã được Bộ trưởng Quốc phòng Singapore trao thưởng học sinh xuất sắc năm 2013 và được ĐH Colgate (bang New York, Mỹ) cấp học bổng toàn phần 248.000 USD cho bốn năm học 2014 - 2018.
Sinh ra trong một gia đình công chức của Hà Nội, bố là kỹ sư cơ khí, mẹ là phóng viên, thời tiểu học, Linh được bố mẹ xin cho học tại trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu vì gần nhà. Học cùng các bạn không thể nhìn thấy ánh sáng, Linh thường trò chuyện, kể cho các bạn nghe về thế giới xung quanh.
Khi tan trường, Linh dắt các bạn về phòng nội trú. Cậu cũng tranh thủ học chữ nổi, và tự học thêm những kiến thức nâng cao. Trong kỳ thi vào lớp 6 Trường chuyên Hà Nội - Amsterdam năm 2006, Linh đạt 25,25/30 điểm, xếp thứ ba, mà không phải đi học thêm hay luyện thi.
Năm 2006, Linh và các bạn tham gia Gameshow Thần đồng Đất Việt do thầy giáo Trần Phương là tác giả. Qua cuộc thi, thầy đã tuyển chọn 5 học sinh trong đó có Linh tham dự lớp Toán đặc biệt miễn phí với mong muốn xác lập kỷ lục về việc dạy và học toán theo "công nghệ cáp treo".
"Thầy Phương dạy bọn em 40 buổi (khoảng 150 giờ) thì lớp học hết chương trình toán phổ thông. Sau đó, bọn em phải làm một bài kiểm tra do thầy Nguyễn Thượng Võ (GV Toán trường Hà Nội - Amsterdam) thẩm định độc lập, rồi làm đề thi Toán tốt nghiệp THPT và cuối cùng mới được làm đề thi Toán đại học. Kết quả trung bình của 5 đứa là 8/10", Linh kể và cho biết, đó là tiền đề giúp em có được phương pháp tự học theo thông tin then chốt, phân tích và xâu chuỗi tổng hợp các vấn đề.
Tham gia đợt thi tuyển chọn và được nhận học bổng A*STAR cho 4 năm học trung học tại trường Trung học Anglo Chinese School (Independent) từ năm 2009, trong 4 năm học tại ACS Linh đã giành được khoảng 50 huy chương và các bằng khen. Nổi bật hơn cả là thành tích thi Olympic Quốc gia Singapore với 12 huy chương vàng và huy chương bạc của 5 môn Toán, Lý, Hoá, Sinh, Thiên văn.
Dù đạt thành tích tốt của cả 5 môn nhưng chưa một lần Linh dự thi Quốc tế bởi em muốn giữ quốc tịch Việt Nam, còn quy định là thí sinh phải mang quốc tịch Singapore.
"Ở Singapore, các môn khoa học tự nhiên về lý thuyết không khác nhiều so với Việt Nam, nhưng khác biệt cơ bản là thực hành. Nếu như ở Việt Nam học nặng về công thức, tính toán thì ở Singapore đi sâu vào giải thích các hiện tượng và nêu ứng dụng của môn học với đời sống", Linh chia sẻ.
Ở trường Hà Nội - Amsterdam, mỗi năm Linh chỉ có vài lần được vào phòng thí nghiệm, còn ở Anglo Chinese School thì tuần nào cậu cũng phải làm thí nghiệm. Khi thực hành, Linh mới phát hiện có nhiều kiến thức viết trong sách giáo khoa của Việt Nam không sát với kết quả thí nghiệm.
Ví dụ trong môn Hoá học, ở Việt Nam học sinh được dạy rằng đồng hydroxit (Cu(OH)2) được điều chế đơn giản bằng cách trộn dung dịch natri hydroxit (NaOH) và đồng sulfat (CuSO4). Tuy nhiên, khi thí nghiệm, việc điều chế Cu(OH)2 theo cách trên là hết sức khó khăn, bởi sau khi trộn hai dung dịch nói trên, mặc dù có kết tủa Cu(OH)2 nhưng dung dịch tỏa nhiệt nên nóng hơn vài độ. Cu(OH)2 là một chất phân hủy từ từ trong môi trường ẩm và nhiệt độ cao thành đồng oxit (CuO), nên việc tách Cu(OH)2 từ dung dịch không phải dễ dàng.
Về khoa học xã hội, Singapore cũng có các môn giống Việt Nam như Văn học, Lịch sử, Địa lý, nhưng việc giảng dạy rất khác. Thầy cô trong nước thường chú ý đến việc học thuộc lòng, thầy đọc trò chép, không kích thích tính phản biện và tư duy sáng tạo. Ở Singapore, thầy cô giáo thường đưa ra các chủ đề mới và chú trọng việc phân tích, đánh giá vấn đề.
Ngoài các môn khoa học tự nhiên và xã hội, học sinh ở quốc gia sư tử còn có thể chọn các môn Kinh tế, Quản trị Kinh doanh… để theo học. Trong môn Kinh tế, học sinh phải trả lời câu hỏi dựa trên một vấn đề kinh tế thế giới và đánh giá ưu nhược điểm các quyết định của chính phủ và tổ chức khác. Sau mỗi vấn đề, học sinh thường phải viết bài nghiên cứu cho môn học của mình.
"Nhìn chung, muốn học tập thành công tại Singapore, học sinh phải chủ động tìm đọc tài liệu, tin tức… để tự xây dựng quan điểm của cá nhân", Linh nói.
Trường mà Linh theo học cũng như các trường khác ở Singapore luôn tạo điều kiện cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa. Linh là thành viên ban lãnh đạo của Câu lạc bộ Toán, Khoa học và Thiên văn. Câu lạc bộ thường tổ chức cho học sinh khóa trên bồi dưỡng cho học sinh lớp dưới để hiểu thêm những vấn đề khoa học cũng như ôn luyện kiến thức cho học sinh dự thi các kỳ thi Olympiad của Singapore. Ngoài ra, mỗi năm các em còn tham gia hoạt động cộng đồng tại các địa điểm khác nhau trong khu vực châu Á.
Chia sẻ kinh nghiệm về kỳ thi chuẩn hóa tuyển sinh vào đại học của Mỹ, Linh cho biết cấu tạo SAT1 gồm 3 phần: Toán học, Viết (tiếng Anh) và Đọc hiểu (tiếng Anh). Với học sinh Việt Nam thì phần Toán học rất dễ. Khó hơn là phần viết và khó nhất là phần đọc.
Để học tốt phần viết thì Linh thường xuyên đọc các bài luận cũng như chuyên đề, tin tức bằng tiếng Anh dưới nhiều hình thức, sau đó tập viết bài luận theo chủ đề. Hàng ngày Linh học khoảng 60 từ vựng. Khi học từ vựng, Linh thường kết hợp với các phần mềm có trên mạng. Ngoài ra khi làm đề thi Linh đọc rất kỹ đề để tránh bẫy.
Một số trường đại học của Mỹ khi xét tuyển thường yêu cầu học sinh có thêm điểm SAT2. Học sinh có thể tham gia thi một số môn trong các môn Toán học, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Văn học, Lịch sử Mỹ, Lịch sử Thế giới và Ngoại ngữ (một trong các thứ tiếng như Trung Quốc, Tây Ban Nha, Pháp…). Thông thường thí sinh chọn 2 môn thi của SAT2. Riêng Linh dự thi SAT2 với 3 môn Toán học, Vật lý, Hoá học. Đây là các môn học thế mạnh nên cậu dễ dàng được điểm tối đa 2.400/2.400 (800/800 mỗi môn).
Trước mắt, Linh sẽ theo học 4 năm chuyên ngành Hoá tại ĐH Colgate (Mỹ). Linh cho biết, Hoá là môn khoa học trung gian có tính kết nối với Sinh học và Vật lý. Từ việc kết nối này thì Hoá học gián tiếp kết nối với Toán học. Linh muốn sau khi hoàn thành bậc đại học sẽ trở thành một nhà nghiên cứu hoá học chuyên nghiệp, tạo ra các sản phẩm có nhiều ứng dụng quan trọng trong đời sống. Một hướng đi mà Linh rất quan tâm là kết hợp với y học để tạo ra các loại thuốc chữa bệnh nan y trên thế giới.
"Sau khi học xong, trở về Việt Nam hay ở lại Mỹ làm việc không phải là vấn đề quan trọng nhất. Với em, tình yêu tổ quốc của một cá nhân không nhất thiết phải có sự hiện diện của cá nhân ấy, quan trọng là dù ở bất cứ nơi đâu cũng luôn làm rạng rỡ con người Việt Nam", Linh tâm sự.
Hoàng Thùy - Minh Thảo