"Mẹ ơi, mẹ có thể mua thuốc nhỏ mắt online không, mắt con đau quá", con trai Song nói trong giờ nghỉ sau khi tham gia khóa học online dài sáu tiếng. Song nhắc con nhìn ra ngoài cửa sổ làm dịu mắt, nhưng cậu bé cau mày, mắt nhắm nghiền. Phản ứng của con trai khiến Song lo lắng.
Lần cuối bà mẹ thấy bồn chồn như vậy từ 17 năm trước, khi mang thai con trai trong đợt dịch SARS. "Cộng đồng nói rằng những đứa trẻ sinh năm 2003 là thế hệ không may mắn khi phải trải qua hai dịch bệnh nguy hiểm", Song nói.
Hầu hết học sinh THPT Trung Quốc đã quen với học trực tuyến nhưng mặt trái của phương pháp này là thiếu sự kết nối với bạn bè và nhà trường. "Trong thời gian nghỉ học, cháu cảm thấy các bạn đều học tập chăm chỉ hơn còn mình bỏ lỡ nhiều kiến thức quan trọng. Những suy nghĩ này khiến cháu trằn trọc cả đêm", Zhou, học sinh lớp 12 tại thành phố Vũ Hán, chia sẻ.
Để không bị căng thẳng, Zhou lập nhóm trò chuyện online với các bạn nữ khác trong lớp. Mỗi ngày, vào 10h tối, các em cập nhật công việc làm trong ngày, chia sẻ bài tập ôn luyện. Một bạn trong nhóm tâm sự rằng không thể tập trung học tại nhà, ám ảnh với suy nghĩ "bị các bạn bỏ lại phía sau".
Cùng chung tâm trạng song Zhou vẫn an ủi bạn: "Không sao đâu. Mình cũng thế mà. Chúng ta cùng nhau vượt qua kỳ thi gaokao có một không hai này nhé".
Giáo viên Trung Quốc cũng phải chịu áp lực lớn khi chuyển từ dạy học truyền thống sang khóa học online, đặc biệt những giáo viên ôn luyện cho kỳ thi gaokao diễn ra vào tháng 6. Li, 53 tuổi, giáo viên dạy lịch sử ở một trường trung học tại thành phố Vũ Hán nhận được tin trường đóng cửa vô thời hạn, việc ôn luyện cho kỳ thi gaokao sẽ diễn ra trực tuyến từ ngày 10/2.
"Giáo án, lời giải các bài thi từ năm trước, đề thi thử tôi dày công soạn thảo đều nằm ở trường. Tôi không thể chuẩn bị lại tất cả chỉ trong 10 ngày", Li nói, cho biết phải thức khuya, thu thập và sắp xếp tài liệu từ Internet.
Bên cạnh vấn đề giáo án, nhiều giáo viên gặp vướng mắc trong việc sử dụng thiết bị công nghệ, số khác cho biết khó theo dõi sự tiến bộ của học sinh. Liu, giáo viên chủ nhiệm một lớp 12 tại thành phố Vũ Hán, kể 8h sáng mỗi ngày sẽ nhắn tin cho học sinh và giáo viên để thông báo lịch học.
Thời gian còn lại trong ngày, Liu liên tục "ra vào" các lớp học trực tuyến để kiểm tra tương tác giữa thầy và trò, nói chuyện với từng học sinh nắm bắt tiến độ học và tình hình sức khỏe. "Tôi sử dụng điện thoại cả ngày, khối lượng công việc nặng hơn bao giờ hết", Liu nói, cho hay nhiều học sinh hỏi khi nào mới có thể quay lại trường vì học online không hiệu quả.
Gaokao, kỳ thi tuyển sinh vào đại học tại Trung Quốc thường diễn ra vào tháng 6 hàng năm, được đánh giá là sự kiện trọng đại trong cuộc đời mỗi học sinh, quyết định tương lai sau này của các em. Đây là một trong những kỳ thi khốc liệt nhất thế giới với 4 bài thi: tiếng Anh, tiếng Trung, Toán, một môn tự nhiên tự chọn (Sinh học, Vật lý, Hoá học) và một môn xã hội tự chọn (Lịch sử, Địa lý, Chính trị). Năm 2019 có 10,31 triệu người tham dự kỳ thi.
Đến ngày 28/3, Covid-19 đã lan ra 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 600.000 người nhiễm bệnh và hơn 27.000 người chết. Trung Quốc ghi nhận 81.394 ca nhiễm nCoV, trong đó 3.295 người tử vong, là vùng dịch lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Italy.
Tú Anh (Theo Sup China)