Trong hệ thống giáo dục hướng tới thi cử của Trung Quốc, xueba (học bá) - những người thích học và đạt điểm cao, thường được bạn bè tôn trọng. Nhưng không phải cứ chăm chỉ và thích học thì sẽ được điểm cao. Do đó, tại những trường THPT chất lượng cao và đầy cạnh tranh ở Bắc Kinh, học sinh có nguy cơ rơi vào nhóm có thứ bậc xã hội thấp nhất của trường nếu đạt kết quả kém, bất kể các em chăm chỉ tới mức nào.
Yi-Lin Chiang, giáo sư Xã hội học tại Đại học Quốc gia Chengchi, đã dành bảy năm để dõi theo các học sinh tại năm trường THPT hàng đầu Bắc Kinh. Bà thấy rằng học sinh tại cả năm trường đều chấp nhận việc phân chia thứ bậc dựa vào điểm số. Tại hệ thống này, các khái niệm như xueba không chỉ thể hiện thành tích, mà còn phân định cách đối xử mà các em nhận được từ bạn cùng lớp.

Học sinh Trung Quốc bị phân chia thứ hạng ở trường và đây cũng là cách đối xử các em nhận được. Ảnh: Sixthtone
Theo Chiang, hệ thống giáo dục của Trung Quốc hướng tới thi cử. Một trong những hệ quả của nền giáo dục này là học sinh cũng bị phân cấp xã hội dựa vào điểm số đạt được. Ở trường, học sinh điểm cao được hưởng địa vị cao hơn.
Vậy tại các trường phổ thông hàng đầu, nơi toàn học sinh điểm cao, hệ thống này sẽ vận hành thế nào? Khi đó, học sinh của những trường top trên áp dụng một tiêu chí phụ: khả năng khiến những bài kiểm tra khó trở nên dễ dàng.
Điều này dẫn tới hệ thống bốn cấp. Những học sinh đứng đầu là xueshen (học thần), nghĩa là thần học tập, với khả năng dễ dàng đạt điểm cao. Xueba nghiện học - những em phải chăm chỉ hơn để đạt điểm tốt - đứng thứ hai, vẫn thuộc nhóm có vị thế cao.
Mặt khác, những học sinh không đạt được thành tích, còn gọi là xuezha (học tra), có điểm và mức nỗ lực đều thấp. Dưới nhóm này là xueruo (học nhược) - "kẻ thất bại" - bởi dù đã nỗ lực, kết quả của các em vẫn tệ. Nhiều học sinh sẵn sàng nhận mình học kém nhưng hầu như không ai muốn thừa nhận là kẻ thua cuộc, bởi xueruo không có bạn bè.
Hệ thống bốn bậc này gây ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày của học sinh. Shiying là một xueshen trúng tuyển Đại học Thanh Hoa (trường top đầu tại Trung Quốc và châu Á). Bạn bè cùng lớp của Shiying bày tỏ mong muốn được như em. Còn Claire, cũng là xueshen, được bạn bè ghi nhớ toàn bộ điểm SAT, kết quả học tập khi đến Đại học Yale (Mỹ)... Câu chuyện của Claire được kể lại trong nhiều năm, ngay cả khi em đã tốt nghiệp rất lâu. Điều đó cho thấy, các xueshen nhận được sự ngưỡng mộ rất lớn.
Xueba, dù không được sùng bái, vẫn được yêu quý, kính trọng. Ziyi là một xueba, cũng thi vào Đại học Thanh Hoa. Để đạt được kết quả này, trước mỗi kỳ thi hay bài kiểm tra quan trọng, Ziyi thường học bài suốt đêm. Nhiều lần, sau khi nộp bài, em sẽ ngủ một giấc ngay tại lớp. Vì sự tôn trọng dành cho nỗ lực và thành tích của Ziyi, các học sinh khác giữ trật tự và yêu cầu những người đang nói chuyện gần đó đi ra ngoài để không làm phiền Ziyi.
Trong khi đó, học sinh có địa vị thấp hơn thường không nhận được sự hỗ trợ từ bạn bè. Đối lập với cách Ziyi được đối xử, Sarah đã bị bạn cùng lớp mắng chửi vì làm sai bài. Sarah là một xuezha, thường xuyên đạt điểm kém. Tương tự, khi một xuezha được vào hội học sinh, bạn bè cười nhạo thay vì dành cho em tràng pháo tay như thường lệ. Thậm chí với Kangwei, một xueruo, em bị bạn bè xa lánh và không đáp lại lời chào.
Bị phân chia địa vị xã hội ngay từ trường học đã ảnh hướng đến nhận thức của học sinh một thời gian dài, ngay cả khi đã rời mái trường và có việc làm. Lúc này, các nickname như xueba hay xuezha có thể không còn tồn tại trực tiếp, con người tiếp tục duy trì một hệ thống phân cấp tương tự. Điểm khác biệt là hệ thống này căn cứ vào kết quả công việc, thay vì điểm kiểm tra.
Tony, một nhân viên xuất sắc tại New York (Mỹ), có thể mời hàng chục đồng nghiệp tới dự sinh nhật mình, dù một số người vừa kết thúc chuyến công tác mệt mỏi kéo dài hai tuần. Bữa tiệc của Tony cho thấy anh có địa vị cao trong các đồng nghiệp, tương tự một xueshen. Chiang cho rằng thế giới của người lớn và trẻ vị thành niên không giống nhau, nhưng cơ chế phân tầng địa vị sẽ theo học sinh từ trường phổ thông cho đến cuối cuộc đời.
Thanh Hằng (Theo Sixth Tones)