Cụ thể, những nơi thiếu trường công thuộc TP Thủ Đức và các quận (thành thị), học sinh tiểu học tư thục được hỗ trợ mức 300.000 đồng mỗi tháng. Ở 5 huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè và Cần Giờ (nhóm nông thôn), mức hỗ trợ là 100.000 đồng một tháng.
Mức này tương đương với học phí cho bậc tiểu học được Hội đồng nhân dân TP HCM quy định hồi tháng 10/2022. Đây là căn cứ để thành phố chi ngân sách vì học sinh tiểu học được miễn học phí.
Theo Luật Giáo dục, nếu địa bàn không đủ trường công, học sinh tiểu học theo học ở các cơ sở giáo dục tư thục được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do HĐND địa phương quyết định.
Cách đây một tháng, UBND thành phố đã thông qua danh sách 147 xã, phường không đủ trường tiểu học công để làm căn cứ thực hiện quy định này. Trong đó, 11 phường không có trường tiểu học công, thuộc TP Thủ Đức, quận 4, 10, 11, Gò Vấp, Tân Phú. 136 khu vực khác thuộc diện có trường nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu học sinh.
Danh sách 147 khu vực thiếu trường tiểu học công lập.
Có hai tiêu chí để xác định tình trạng thiếu trường. Một là, xã, phường, thị trấn không có trường tiểu học công và chính quyền không bố trí được học sinh sang các trường công ở khu vực lân cận.
Trường hợp thứ hai là trên địa bàn có trường nhưng không đáp ứng được nhu cầu của toàn bộ học sinh theo định mức - tức sĩ số 35 học sinh một lớp.
Năm học này TP HCM có hơn 1,7 triệu học sinh, trẻ mầm non, tăng hơn 35.000 so với năm trước. Tại một hội nghị hồi tháng 8, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, nói hàng năm thành phố có thêm 10.000-15.000 học sinh mỗi độ tuổi, nhiều trường học quá tải.
Theo tính toán của Sở, với quy mô và tốc độ tăng dân số như hiện nay, để đạt chỉ tiêu 300 phòng học trên 10.000 dân trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi) vào năm 2025, thành phố cần hơn 8.000 phòng học mới.
Lệ Nguyễn