Mong muốn học sinh yêu thích môn Tiếng Việt hơn, trong suốt nhiều năm dạy học, cô Trần Thu Hoa - giáo viên giảng dạy chính của câu lạc bộ Ngôn ngữ và EQ, và là giáo viên bộ môn Tiếng Việt tại Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn luôn trăn trở, tìm ra các phương pháp giảng dạy nhằm tăng khả năng tư duy, sáng tạo của học sinh. Theo cô, khi được gần gũi với thế giới xung quanh, khả năng tư duy, sáng tạo và cảm xúc của các em không bị hạn chế, ngược lại, trở nên phong phú, nhiều màu sắc hơn.
Thông qua những hoạt động trải nghiệm thực tế tại các vùng nông thôn như: Thăm quan di tích, tham gia các trò chơi dân gian, thả diều, tự tay gặt lúa, trồng khoai, cắt cỏ, chăn bò, làm quà thủ công... học sinh được hòa mình vào thiên nhiên, con người ở vùng quê, đồng thời biết vận dụng những trải nghiệm thực tế bổ ích này vào trong bài tập làm văn.
"Qua lăng kính các em tự cảm nhận và trải nghiệm, những bài Văn của các em sẽ hồn nhiên, chân thực đúng như sự ngây thơ của các em. Đây cũng là cách giúp học sinh cải thiện năng lực làm Văn khi học Tiếng Việt", cô Hoa khẳng định.

Hình ảnh các em với chuyến đi thực tế về quê trải nghiệm.
Sau những chuyến đi trải nghiệm thực tế, nhiều bậc phụ huynh cũng chia sẻ về sự tiến bộ trong quá trình học tập của con, đặc biệt là môn Tiếng Việt. Chị Nguyễn Thị Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: "Sau mỗi chuyến đi thực tế, con đã tỏ ra rất hứng thú hơn với môn Tiếng Việt. Ngày trước, một bài tập làm văn con chỉ viết được từ 4 đến 5 dòng, gần đây con đã hứng thú với việc làm văn hơn và dường như khả năng tưởng tượng, mang cảm xúc vào trong bài văn cũng khác hơn".
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong những chuyến đi trong việc quản lý, giám sát và đảm bảo an toàn cho học sinh bởi đa phần các em đều ở lứa tuổi tiểu học, nhưng vì thực hiện mục tiêu đưa học sinh đến gần hơn với Tiếng Việt, cô Hoa không từ bỏ. Cô nói, vì những trải nghiệm hữu ích và thú vị cho các em, khó khăn nào cô cũng có thể vượt qua.
Học tiếng Việt dễ hơn với "Quy tắc bàn tay"
Gần hai năm gắn bó với hình thức học và dạy trực tuyến tại Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn, cô Trần Thu Hoa đã dành thời gian dài để tìm hiểu tâm lý học sinh, đổi mới cách dạy, từ đó triển khai và áp dụng những phương pháp học tập thông minh vào bài giảng, giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả.
Theo cô Hoa, môn Tiếng Việt nếu chỉ giảng giải bài học qua câu chữ sẽ khiến học sinh thấy nhàm chán nên cô quyết tâm xây dựng một phương pháp dạy học trực tuyến hiệu quả đối với môn học này.

Cô Trần Thu Hoa - Giáo viên dạy Tiếng Việt tại Hệ thống Giáo dục Hocmai.vn.
Ngoài những hoạt động trải nghiệm thực tế, theo cô Hoa, điều quan trọng nhất để viết một bài tập làm văn hay, có điểm nhấn là biết cách miêu tả thông qua các giác quan. Cụ thể, thông qua việc nghe, nhìn, cảm nhận... học sinh sẽ biết cách gọi tên và khơi gợi cảm xúc, nhìn nhận chân thực về sự vật, hiện tượng. Cô Hoa gọi phương pháp này là "Quy tắc bàn tay", mỗi ngón tay sẽ biểu thị lần lượt cho các giác quan như thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác, xúc giác.
Tâm sự về nghề dạy học, cô Hoa bộc bạch, trong quá trình dạy không tránh khỏi những lúc bản thân cảm thấy mệt mỏi, áp lực do khối lượng công việc nhiều. Khi đó, để tiếp thêm động lực, cô thường xem lại những lời động viên, ủng hộ của phụ huynh, những bài tập làm văn của học trò mình để tiếp tục vực dậy tinh thần và gắn bó với nghề.
"Là một nhà giáo, tôi luôn muốn mang lại những giá trị thật đến với học sinh. Giá trị ấy phải được xây dựng từ tình yêu chân thật với nghề, lòng nhiệt huyết muốn được cống hiến. Tôi luôn tin hành trình làm nhà giáo của tôi sẽ có nhiều câu chuyện đẹp để nói, dù chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn", Cô Trần Thu Hoa chia sẻ thêm.
Thế Đan