Ngày 4/1, tại chung kết cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh trung học TP HCM năm học 2017-2018, đề tài Vấn đề thiếu ngủ của học sinh THPT của Trần Thùy Trang và Phạm Thị Khánh Vy được nhiều người đặc biệt chú ý.
Đều là học sinh lớp 12 chuyên Toán trường THPT Gia Định, Thùy Trang cho biết họ chọn đề tài này vì thường thấy nhiều bạn cùng trường ngủ gật, mắt không thể mở ngay tiết đầu tiên trên trường. Cả hai cũng có thời gian là "bệnh nhân" của chứng thiếu ngủ, đi học trong tình trạng uể oải.
Trang và Vy bàn nhau xây dựng một hệ thống câu hỏi liên quan đến tình trạng này, đồng thời khảo sát trực tuyến trên mạng. Có hơn 7.300 học sinh các trường THPT tại TP HCM tham gia khảo sát, trong đó hơn một nửa cho biết ngủ khá muộn, thường là sau 23h và 20% sau 0h; hôm sau thức dậy lúc 5h30-6h để kịp đến trường. Do đó, hơn 80% học sinh thường ngủ dưới 7 tiếng mỗi ngày, hơn 10% ngủ dưới 5 tiếng.
"Những con số trên cho thấy thực trạng thiếu ngủ của học sinh THPT ở thành phố đang ở mức báo động. Số giờ ngủ của học sinh đang đi ngược với khuyến cáo được đưa ra 8-10 tiếng mỗi ngày với lứa tuổi trẻ em và thanh thiếu niên", Trang cho hay.
Nguyên nhân dẫn đến việc này, theo nghiên cứu của hai nữ sinh, là thời gian làm bài tập, học bài ở nhà quá nhiều; thời gian chuẩn bị cho các kỳ thi. Ngoài ra, áp lực căng thẳng từ cuộc sống, học hành cũng tác động không nhỏ đến giấc ngủ học sinh.
"5.000 học sinh được hỏi cho rằng việc lên mạng sử dụng Facebook, Instagram, Youtube... đã làm giảm thời gian dành cho việc ngủ. Như vậy, việc lạm dụng các mạng xã hội đã và đang phổ biến, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ học sinh nếu sử dụng không đúng cách", đại diện nhóm chia sẻ thêm.
Giải pháp để khắc phục tình trạng trên phải đến từ chính cá nhân học sinh với phương pháp sắp xếp thời gian học hành, vui chơi hợp lý để không làm ảnh hưởng với giấc ngủ. Họ cũng làm một bộ ảnh "Hãy cho em ngủ" để lên tiếng thay cho các bạn học sinh THPT, gửi đến Sở Giáo dục và Đào tạo, kiến nghị những giải pháp tăng cường sức khỏe và chất lượng học tập của học sinh.
"Chúng em đề xuất các cơ quan chức năng ba giải pháp khác, gồm lùi giờ học tiết đầu tiên, thay đổi thời khóa biểu cho phù hợp và giảm bớt bài tập về nhà", đại diện nhóm nói.
Được phát động từ đầu tháng 9, cuộc thi nhận được 680 đề tài với gần 1.300 học sinh tham gia. Sau vòng sơ khảo, ban tổ chức đã chọn ra 95 đề tài tốt nhất dự vòng chung kết.
Nhiều đề tài đã chú trọng đến các vấn đề xã hội như: Sự thấu hiểu giữa cha mẹ và con cái (THCS - THPT Diên Hồng), Mức độ am hiểu của học sinh lứa tuổi 10-13 về vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em (THCS - THPT Đinh Thiện Lý), Tâm lý hưởng thụ và thích tiêu xài cá nhân của giới trẻ (THPT Mạc Đĩnh Chi)...
Một số đề tài khác khai thác lĩnh vực môi trường: Ứng dụng công nghệ vật liệu điện trong việc tái sử dụng các nguồn nhiệt thải (THPT Nhân Việt), Tổng hợp Zeolite sử dụng lọc nước thải đô thị (THPT Bùi Thị Xuân), Hệ thống sản xuất nước ngọt bằng năng lượng mặt trời (THCS Phan Tây Hồ)...