Là học sinh không chuyên khối C, Đỗ Xuân Huy, lớp 12D6 THPT Quang Trung (Hà Nội) ủng hộ việc dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể thay đổi theo hướng tích hợp Sử vào môn Khoa học xã hội ở bậc THCS và Công dân với Tổ quốc ở THPT. “Em thấy sách giáo khoa Lịch sử hiện quá dài dòng, nhiều thứ không cần thiết. Cá nhân em chỉ cần nắm được những mốc thời gian quan trọng của Việt Nam và thế giới là đủ”, Huy nói.
Sinh viên năm 3 Đại học Văn hóa Hà Nội Nguyễn Nam Anh cũng ủng hộ việc tích hợp môn Lịch sử vì đề cập tới nhiều cuộc chiến bảo vệ tổ quốc, khi tích hợp vào Công dân với Tổ quốc sẽ tạo nên những mắt xích để từ một sự kiện này nhớ ra nhiều sự kiện khác. "Giáo trình môn Lịch sử hiện quá dài, có nhiều bài giảng lan man. Phương pháp gạch đầu dòng theo ngày tháng vẫn là cách học dễ nhớ nhất của em”, Nam nói và đề xuất dạy học bằng phần mềm trình chiếu, chủ yếu bằng tranh ảnh sẽ giúp cho giờ học nhẹ nhàng hơn.
Số học sinh, sinh viên không đồng tình tích hợp đa phần đến từ khối chuyên Sử. Nguyễn Minh Anh, lớp 11 Sử THPT Hà Nội - Amsterdam chia sẻ: "Môn nào cũng có sự quan trọng, nếu ghép vào thì đầu tiên là chuyên Sử sẽ không thể tồn tại, sau đấy là môn của bọn em khó mà sống được nữa. Thứ hai em thấy nếu ghép thì Sử vốn không được coi trọng lại càng bị xem thường. Dù một bộ phận học sinh bây giờ không còn thiết tha về Lịch sử nữa nhưng chưa phải là tất cả”.
Minh Anh cho biết, gần đây trong lớp chuyên Sử học sinh được tự dựng clip vui, chủ yếu để hiểu về giai đoạn lịch sử tiêu biểu, có đan xen sơ đồ tư duy. "Em không nghĩ phần đông mọi người ghét môn Sử mà chủ yếu là cách truyền đạt chưa thực sự chạm tới mọi người. Em ban đầu được cô giáo truyền cảm hứng về Sử nên mới sống chết với nó như bây giờ”, Minh Anh chia sẻ.
Bài học lịch sử của học sinh lớp 11 THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam:
Vì là năm học cuối và đang chuẩn bị bước vào thời kỳ nước rút nên Minh Thảo, lớp 12 chuyên Sử của một trường ở Hà Nội không quá chú ý đến chuyện tích hợp môn, nhưng cũng cho rằng không nên làm vậy vì Sử, Quốc phòng, Đạo đức là ba môn hoàn toàn tách biệt và không liên quan. Thảo không nghĩ rằng cách học như bây giờ là hợp lý, cần thay đổi phương pháp dạy và học.
"Em chỉ muốn giáo viên không tập trung vào dạy con số, sự kiện nữa mà kể những câu chuyện lịch sử, đào sâu vào tư duy học trò, như: tại sao lại có sự kiện này, nguyên nhân từ đâu, sự kiện ảnh hưởng thế nào. Giáo viên cấp 2 đã dạy lớp em như thế dù chỉ là lớp thường, không phải lớp chọn”, Thảo kể.
Cũng cho rằng không nên tích hợp ba môn Giáo dục đạo đức, Lịch sử, Giáo dục quốc phòng - An ninh, Tạ Nam Phong (cựu học sinh chuyên Sử trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) nhận xét cách trình bày trong sách giáo khoa Sử quá nhiều chữ, cách dạy của giáo viên không tạo được hứng thú cho học trò. “Mình thấy ở nước ngoài hay có những dự án nghiên cứu về các thời kỳ lịch sử, sinh viên sẽ phải tự tìm hiểu và như vậy thì kiến thức được ghi nhớ lâu hơn. Ở Việt Nam có thể dạy bằng phim tài liệu”, Phong kiến nghị.
Lê Mai Anh, cựu học sinh chuyên Sử THPT Tĩnh Gia 1 (Thanh Hóa), hiện học Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cũng cho rằng nên thay đổi cách dạy Sử hiện nay. “Giáo viên không nên đến lớp và chỉ dạy học sinh toàn bộ trong giáo trình, có thể xây dựng giáo án theo hình thức dạy slide, cho xem nhiều bộ phim ngắn tư liệu liên quan đến bài học”, Mai Anh đề xuất.
Hiện nay, môn Lịch sử với Tiếng Việt - Văn học, Toán đều được coi là những môn học cơ bản, bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam. Nhưng theo dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, môn Lịch sử được tích hợp vào các môn khác. Ở lớp 1, 2, 3 là môn "Cuộc sống quanh ta"; lớp 4, 5 là "Tìm hiểu xã hội", THCS là "Khoa học xã hội" và THPT là môn "Công dân với Tổ quốc". |
Thu Thủy