Nghe về những thay đổi dự kiến của mùa tuyển sinh đại học 2025, Lê Quốc Huy, lớp 12 trường THPT C Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, bất ngờ và lo lắng. Thay đổi khiến Huy quan tâm nhất là dự kiến chỉ tiêu tối đa dành cho xét tuyển sớm chỉ còn 20%.
Xét tuyển sớm là đợt tuyển sinh trước khi Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức xét tuyển trên hệ thống chung vào tháng 7-8. Các trường chủ yếu xét học bạ, điểm từ các kỳ thi riêng (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy...), xét kết hợp nhiều tiêu chí như giải học sinh giỏi, điểm chứng chỉ quốc tế (IELTS, SAT, A-Level...). Việc này đã phổ biến 5-6 năm qua.
Huy cũng muốn dự xét tuyển sớm. Nam sinh nhắm tới ngành Quan hệ quốc tế của Học viện Ngoại giao. Năm 2024, trường này dành 70% chỉ tiêu xét học bạ cho ba nhóm (học sinh trường chuyên, đạt giải cấp tỉnh trở lên, có chứng chỉ quốc tế). Thuộc nhóm dùng chứng chỉ, Huy có IELTS 6.5, điểm học bạ Toán, Hóa, Tiếng Anh (tổ hợp D07) từ 8,5-9,5.
"Với chỉ tiêu 70% em còn thấy mình chấp chới, nếu giảm còn 20%, tức là số lượng trúng tuyển chỉ bằng một phần ba, em chắc chắn không thể đỗ sớm nữa", Huy nói.
Nam sinh cho biết sẽ tìm thêm một vài trường khác để đăng ký, nhưng "cũng không dám hy vọng gì nhiều" vì biết khi chỉ tiêu giảm, mức độ cạnh tranh sẽ rất lớn.
Huy cũng lo lắng vì "nghe phong thanh" về việc các trường sẽ bỏ bớt các phương thức xét tuyển sớm do bị giới hạn chỉ tiêu. Nam sinh đã ôn IELTS hơn một năm với học phí khoảng 60 triệu đồng. Ngoài ra, em mới được gia đình đầu tư khóa học trực tuyến ôn thi đánh giá năng lực gần 5 triệu nữa để tăng cơ hội.
"Em không biết phương thức nào sẽ bị bỏ, liệu có phải cái mình đang học hay không nên cũng hoang mang", nam sinh bày tỏ.
Nguyễn Nhật Lâm, lớp 12 trường THPT Tam Phú, TP HCM, cũng thấy áp lực. Lâm nói đã ôn luyện để dự hai kỳ thi riêng của Đại học Quốc gia TP HCM và Đại học Sư phạm TP HCM, nhằm đăng ký xét tuyển sớm vào Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Kinh tế - Luật.
Với Lâm, xét tuyển sớm giúp em thêm cơ hội trúng tuyển đại học, giảm áp lực cho đợt xét chung. Nhưng nếu các trường bị khống chế chỉ tiêu còn 20%, Lâm cho rằng khả năng trượt xét sớm cao hơn, buộc dồn lực cho đợt chung trong khi không biết đâu là phương thức có lợi thế để đặt nguyện vọng lên trước.
"Em thấy giống như làm khó dễ học sinh để không xét tuyển sớm", Lâm nhìn nhận.
Nguyễn Tấn Phát, lớp 12 trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, lo lắng ngay cả khi đã có chứng chỉ SAT (dùng phổ biến trong xét tuyển đại học ở Mỹ, châu Âu) đạt 1.520/1.600, thuộc top 1% thế giới.
"Việc siết chỉ tiêu xét tuyển sớm giúp cho tuyển chọn đầu vào chất lượng song cũng gây áp lực hơn cho học sinh", nam sinh nói.
Trên các diễn đàn, thông tin này thu hút hàng nghìn lượt tương tác. Bất ngờ, tiếc nuối, lo lắng là cảm xúc của nhiều học sinh, phụ huynh. Cũng có người bức xúc vì sự thay đổi bất ngờ khi học kỳ I sắp kết thúc, trong khi học sinh đã chuẩn bị ôn tập từ sớm.
Theo khảo sát của VnExpress từ ngày 22/11, 64% trong hơn 11.000 người tham gia cho rằng siết xét tuyển sớm hạn chế lựa chọn của thí sinh và quyền tự chủ của các trường. Chỉ 32% đồng tình với Bộ Giáo dục khi cho rằng việc này "công bằng hơn".
Thầy Đinh Đức Hiền, Phó hiệu trưởng trường Phổ thông liên cấp FPT Bắc Giang, chia sẻ với tâm trạng của học sinh. Thầy cho rằng khoảng 3-5 năm gần đây, học sinh đã quen với việc nhiều trường xét tuyển sớm, đa dạng phương thức và dồi dào chỉ tiêu, nên khi bị siết, các em thấy lo lắng về tăng áp lực là dễ hiểu.
Nhiều năm tham gia tư vấn xét tuyển đại học, thầy Hiền đặt câu hỏi về giới hạn 20% chỉ tiêu xét tuyển sớm của Bộ.
"Tôi rất băn khoăn về con số này. Không rõ Bộ căn cứ vào đâu để áp cho tất cả ngành và trường, cả công lập và ngoài công lập", thầy Hiền nói.
Theo thầy, Bộ chỉ nên đưa ra các rào cản kỹ thuật để xét tuyển sớm trở nên hiệu quả với từng nhóm trường hoặc nhóm ngành, không nên cào bằng và đưa ra giới hạn.
Ngoài ra, các nhà giáo cho rằng không nên quy đổi tất cả phương thức về một thang điểm chung.
Thầy Phạm Đăng Thanh, giáo viên Toán một trường THPT ở Chương Mỹ, Hà Nội, lấy ví dụ một học sinh giỏi thi được 120/150 điểm HSA, tương đương 24 điểm trên thang 30. Dù đứng top trong thang đo của HSA, học sinh này "cầm chắc vé trượt" đại học hàng đầu, nếu so với các phương thức khác như xét học bạ hay điểm thi tốt nghiệp.
Đồng tình, thầy Đinh Đức Hiền thấy rằng dù điều chỉnh này chỉ mang tính kỹ thuật, nhưng mỗi kỳ thi có cấu trúc, dạng đề, mục đích khác nhau và hội đồng chuyên môn đã nghiên cứu kỹ để đưa ra thang điểm đó.
"Việc quy đổi là không nên, nhất là áp dụng với các kỳ thi riêng", thầy nói.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, lý giải việc giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm còn 20% nhằm tập trung tuyển thí sinh có năng lực và thành tích vượt trội, tạo sự công bằng vì không phải em nào cũng có khả năng học chứng chỉ, tham dự kỳ thi riêng để xét tuyển sớm.
Liên quan tới việc quy đổi điểm, bà Thủy cho biết trường đại học phải đảm bảo cơ hội để mọi thí sinh có thể đạt mức tối đa của thang chung, đồng thời không ai vượt mức tối đa này.
Đại diện tuyển sinh của nhiều đại học phản đối điều này, cho rằng việc quy đổi điểm gây rối rắm, khó hiểu. Bộ còn yêu cầu điểm của đợt xét sớm không được thấp hơn đợt xét chung. Trong khi nếu giới hạn chỉ tiêu, điểm chuẩn của đợt xét sớm gần như chắc chắn sẽ bị đẩy lên cao.
Năm ngoái, 214 trên 322 trường đại học tổ chức xét tuyển sớm với khoảng 30-80% chỉ tiêu. Các đại học top đầu thường xét tuyển kết hợp học bạ và nhiều yếu tố như giải cấp tỉnh, quốc gia, chứng chỉ quốc tế, phỏng vấn..., trong khi nhóm trường top cuối chủ yếu dùng học bạ.
Tổng số thí sinh trúng tuyển theo diện này là hơn 375.500 em. Thí sinh đỗ đợt sớm vẫn đăng ký nguyện vọng vào đợt chung của Bộ, song đây chỉ là bước thủ tục để chính thức trúng tuyển.
Thầy Đinh Đức Hiền kiến nghị Bộ không áp chung mức 20% chỉ tiêu cho xét tuyển sớm mà giao chỉ tiêu khác nhau cho từng nhóm trường. Thầy cũng đề xuất những điều chỉnh này lùi lại, đến 2026 mới áp dụng.
"Học kỳ I đã gần kết thúc, nếu dự thảo được thông qua thì tháng 1-2 của năm tới mới công bố được. Thời điểm này quá gấp để học sinh thay đổi kế hoạch ôn tập", thầy giáo nói.
Với học sinh, thầy khuyên các em dành ưu tiên cho kỳ thi tốt nghiệp, không lơ là để tập trung ôn các phương thức khác. Nếu định xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực, học sinh chỉ thêm tham dự một, cùng lắm hai để không quá phân tán sức lực, dẫn tới học nhiều mà không hiệu quả.
Đây cũng là cách mà Huy dự tính. Nam sinh cho biết sẽ chuyển sang tập trung ôn thi tốt nghiệp.
Huy và Lâm, Phát còn mong muốn Bộ và các trường sớm thông tin chính thức về phương thức, chỉ tiêu để yên tâm ôn tập.
Thanh Hằng - Bình Minh