10h ngày 11/6, hàng trăm thí sinh thi vào lớp 10 tại hội đồng THCS Chu Văn An (quận 1, TP HCM) vui vẻ rời phòng thi. Môn Ngữ văn với ba câu hỏi không gây nhiều bất ngờ nhưng khiến các em thích thú ở câu số 2, phần nghị luận xã hội, với yêu cầu viết một bài văn ngắn trả lời cho câu hỏi "Phải chăng chỉ có những điều ngọt ngào mới làm nên yêu thương?"
Minh Tâm (học sinh THCS Chu Văn An, quận 1) cho biết đã làm câu hỏi trên rất suôn sẻ bởi dòng cảm xúc trôi chảy. "Câu hỏi mở đã cho em được nhiều lựa chọn. Điều ngọt ngào làm nên yêu thương nhưng những giận hờn cũng có thể làm nên nó", Tâm nói.
Mất khoảng 30 phút để làm câu nghị luận này, Xuân Bảo (học sinh THCS Lương Thế Vinh, quận 1), nhận xét: "Đề Văn không khó vì các dạng câu hỏi đã được em ôn tập nhiều lần. Riêng câu nghị luận rất hay, gợi mở. Em đoán mình đạt 7-8 điểm".
Thu Trang (học sinh THCS Nguyễn Hiền, quận 7) nói rất thích câu 2 vì nội dung gần gũi, dung dị. "Câu hỏi mang tính trình bày theo cảm nhận của mỗi người, em viết khá sướng tay. Em kể về một kỷ niệm buồn đã trải qua mà qua đó em cảm thấy yêu thương những người thân trong gia đình hơn. Từ đó, em trả lời rằng không chỉ có ngọt ngào mới làm nên yêu thương", Trang tiết lộ.
Riêng câu số 3 hỏi về cảm nhận nhân vật anh thanh niên trong một đoạn văn trích từ truyện ngắn "Lặng lẽ Sapa" được nhiều thí sinh nhận xét khá dễ.
Tuyết Mi (học sinh THCS Lương Thế Vinh, quận 1) tại điểm thi THCS Chu Văn An nói rằng, điểm thú vị của câu hỏi này nằm ở vế thứ hai khi yêu cầu thí sinh liên hệ hình ảnh thế hệ trẻ trong tác phẩm văn học khác, hoặc thực tế đời sống, để thấy được vẻ đẹp của sức trẻ Việt Nam. Mi đã nhắc đến hình ảnh các chiến sĩ hải quân ngày đêm canh gác vùng biển đảo của Tổ quốc để bày tỏ sự cảm phục với những người trẻ cống hiến tuổi thanh xuân cho đất nước.
Tương tự, nhiều thí sinh tự tin nói điểm thi môn Văn có thể đạt 7-8 điểm.
Thầy Trương Minh Đức (giáo viên môn Văn THPT Lê Qúy Đôn, quận 3) nhận xét: "Cấu trúc đề thi môn Văn tuyển sinh vào lớp 10 năm nay đảm bảo yêu cầu đã định hướng nên tạo tâm lý tốt cho thí sinh khi làm bài. Nội dung đề thi phù hợp với nội dung đã ôn tập, có tính phân loại cao ở từng cấp độ kiểm tra kiến thức".
Theo thầy Đức, cách ra đề ở câu nghị luận xã hội thú vị, dù đề tài không mới. "Điều này khơi gợi suy nghĩ riêng của từng học sinh. Các em có thể đồng tình hoặc không đồng tình, đồng tình nhưng có bổ sung, miễn thể hiện được quan điểm riêng qua hệ thống lập luận chặt chẽ", thầy Đức nói.
Riêng đề nghị luận văn học về tác phẩm "Lặng lẽ Sapa", thầy Đức đánh giá câu hỏi này sẽ đảm bảo điểm số cho học sinh trung bình. Phần vận dụng của câu hỏi này kích thích tư duy sáng tạo, tránh sự nhàm chán, đồng thời phân loại được trình độ thí sinh.
Chiều nay, gần 69.000 thí sinh thi vào lớp 10 ở TP HCM tiếp tục với môn thi Ngoại ngữ, bắt đầu làm bài từ 14h.
Mạnh Tùng - Duy Trần