Chiều 23/2, hơn 1.000 học sinh THPT Ernst Thalmann (quận 1, TP HCM) tham gia hội nghị Tư vấn pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức.
Sau phiên tòa giả định xét xử học sinh 16 tuổi gây thương tích cho nam sinh khác do xích mích trên mạng xã hội, hội trường nóng lên với những thắc mắc về pháp lý ở lứa tuổi học sinh THPT.
"Bao nhiêu tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự?", ông Nguyễn Văn Tính (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP HCM) hỏi. Nhiều cánh tay giơ lên, các em đồng thanh trả lời "18 tuổi", nhiều em khác đáp "16 tuổi", duy nhất một nữ sinh trả lời "đủ 14 tuổi".
Nghe ông Tính viện dẫn Luật Hình sự quy định người đủ 14 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự ở tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cưỡng dâm, cướp giật... các em ồ lên bất ngờ.
Ông Tính cho biết đã gặp nhiều thiếu niên 14-15 tuổi, suy nghĩ rất non nớt nhưng phạm tội nghiêm trọng phải chịu hình phạt nặng. Những em này không biết vì sao mình phải ra tòa, thậm chí còn nghĩ ở tuổi mình chưa phải chịu trách nhiệm hình sự. Từ đó, ông khuyến cáo học sinh nắm rõ pháp luật, biết kiềm chế trong cuộc sống để không gây ra những chuyện dại dột.
Với chủ đề bạo lực học đường, nữ sinh Xuân Nhi hỏi: "Nếu một người dùng lời lẽ xúc phạm người khác trên mạng xã hội có vi phạm luật không?". Nam sinh Phát Đạt hỏi: "Một người xúc phạm đến giới tính của người khác ở cộng đồng LGBT có hay không bị xử lý?".
Minh Châu (học sinh lớp 10) thắc mắc, nếu một vụ việc bạo lực học đường đã được giải quyết trong nhà trường, liệu còn bị mang ra tòa xét xử? Hay một nam sinh khác đặt vấn đề "nếu gia đình dùng tiền để bồi thường người bị hại có thể được miễn tội không?". Nhiều học sinh khác muốn biết các cơ quan bảo vệ và kênh tiếp nhận phản ánh học sinh bị xâm hại thân thể, bị bạo lực học đường.
Trả lời là những cán bộ thuộc các sở ngành, công an, luật sư. Theo đó, danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm, được pháp luật bảo vệ. Việc thóa mạ, xúc phạm ai đó trên mạng xã hội sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Tương tự, học sinh không được kỳ thị, xúc phạm bạn bè trong cộng đồng LGBT mà cần ứng xử hòa nhã, thân thiện và công bằng với họ.
Khi học sinh có hành vi trái pháp luật đến mức phải chịu trách nhiệm hình sự sẽ không có chuyện dùng tiền để được miễn tội. Việc bồi thường cho người bị hại chỉ là yếu tố được giảm nhẹ.
Có bốn nơi tiếp nhận, xử lý việc học sinh bị xâm hại, bị bạo lực học đường, bạo hành tinh thần là công an địa phương; UBND xã phường, quận huyện; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111.
Tại chương trình, bà Bùi Thị Hòa (Phó chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam) cho rằng, tình trạng trẻ em bị xâm hại ngày càng diễn biến phức tạp. Số vụ việc, nhất là các vụ hiếp dâm, dâm ô trẻ em, bạo hành gia đình, bạo lực học đường đang dấy lên hồi chuông báo động về vấn đề an toàn cho trẻ nhỏ.
Bà Hòa dẫn số liệu của ngành công an cho thấy trong năm 2018 có 2.000 vụ bạo lực học đường, trong đó hơn một nửa xảy ra trong trường học. "Ngày nay, bạo lực học đường không chỉ thượng cẳng chân, hạ cẳng tay mà còn xuất hiện dưới hình thức xúc phạm, lăng mạ trên mạng xã hội gây tổn thương cho học sinh đang ở lứa tuổi hình thành nhân cách", bà Hòa nhận định.
Bạo lực học đường xuất phát từ nhiều nguyên nhân, song chủ yếu do nhận thức hạn chế về luật pháp, các hành vi vi phạm quyền trẻ em.
Với vai trò đại sứ chương trình đồng hành chủ đề An toàn cho phụ nữ và trẻ em, Hoa hậu Hoàn vũ H'Hen Niê khuyên học sinh cần cập nhật nhiều kiến thức pháp luật và các kỹ năng tự bảo vệ mình trước bạo lực, bạo hành.
Cô cũng khuyên học sinh cần suy nghĩ chín chắn, "nghĩ đến cha mẹ nhiều hơn" trước khi làm việc gì đó có khả năng gây hại cho người khác.
"Mình và các bạn vừa xem một phiên tòa giả định mà có bạn mới 16 tuổi đã phải ra tòa, ngồi bên cạnh là mẹ. Lẽ ra chúng ta có thể cùng mẹ đi ăn sáng, đi mua sắm thì lại phạm tội, làm tổn thương đến mẹ, thật đau đớn", cô chia sẻ.
Đồng hành cùng H'Hen Niê trong vai trò đại sứ còn có diễn viên Quyền Linh - Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP HCM.