"Trời đang cực kỳ nóng, làm bỏng cả da của tôi. Bình thường thì nắng nóng mùa hè không khó chịu như thế này", Kirt Mahusay, 23 tuổi, nói trong cuộc phỏng vấn đăng ngày 29/4. Mahusay hiện vẫn là học sinh trung học phổ thông do phải tạm ngừng việc học trong thời kỳ Covid-19.
Do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết El Nino và biến đổi khí hậu, chỉ số nóng bức tại nhiều khu vực ở Philippines đã chạm mốc 50 độ C. Chỉ số nóng bức là chỉ số kết hợp nhiệt độ và độ ẩm tương đối của không khí, hay còn gọi là "nhiệt độ không khí theo cảm nhận".
Hàng nghìn trường học tại quốc gia này đã phải tạm ngừng giảng dạy, gây ảnh hưởng đến khoảng 3,6 triệu học sinh, theo dữ liệu của Bộ Giáo dục Philippines.
"Dự kiến có nhiều đợt nghỉ học hơn nữa trong tháng 5. Chỉ số nóng bức trung bình có thể lên tới hơn 52 độ C, gây áp lực rất lớn với các em", Xerxes Castro, cố vấn giáo dục cơ bản cho tổ chức Save the Children Philippines, cho hay.
Theo tổ chức này, trẻ em rất dễ mắc các triệu chứng liên quan tới nắng nóng như chóng mặt, ngất xỉu và nôn mửa, nếu phải tiếp xúc với nhiệt độ cao trong thời gian dài.
Nhiều học sinh tại Manlia sử dụng quạt điện cầm tay, vở và thậm chí cả bìa các tông để có chút hơi mát giữa cái nóng gay gắt.
"Trời nóng khiến huyết áp của tôi tăng cao. Lưng tôi và các em học sinh lúc nào cũng đẫm mồ hôi, có lúc chúng tôi còn bị chóng mặt", Memia Santos, 62 tuổi, giáo viên trường cấp hai, cho biết.
Ngay cả với những lớp tổ chức giảng dạy từ xa, cái nóng cũng khiến nhiều học sinh không thể chú tâm cho việc học.
"Tôi không thể tập trung được vì cứ bị chóng mặt", Esmaira Solaiman, 20 tuổi, học sinh trung học phổ thông, cho biết. Solaiman cũng từng bị gián đoạn việc học do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nhiệt độ cao không phải khó khăn duy nhất mà học sinh, giáo viên Philippines phải đối mặt khi tổ chức học từ xa. Những người sống ở các khu vực kém phát triển thường không có đường truyền Internet đủ mạnh để học và giảng dạy trực tuyến, nhà cửa của họ cũng không phù hợp cho các công việc này.
Theo Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế, tổ chức chuyên so sánh các hệ thống giáo dục trên thế giới, Philippines nằm trong số những nước đạt điểm thấp nhất về toán, khoa học và đọc, một phần do phải tổ chức học từ xa không hiệu quả trong những năm diễn ra đại dịch Covid-19. Nước này cũng được đánh giá là đang thua kém các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á trên lĩnh vực giáo dục.
Bên cạnh lĩnh vực này, nắng nóng còn tác động tới nhiều khía cạnh khác của xã hội Philippines, như làm giảm sản xuất nông nghiệp, gián đoạn nguồn điện, nước sinh hoạt và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh.
Ngoài Philippines, nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á và Nam Á cũng đang đối mặt với nắng nóng gay gắt trên diện rộng. Cơ quan thời tiết và khí hậu Liên Hợp Quốc hôm 23/4 cảnh báo châu Á đang nóng lên nhanh chóng. Giới chuyên gia nhận định biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng trở nên kéo dài, thường xuyên và khắc nghiệt hơn.
Phạm Giang (Theo Reuters, AFP)