8h sáng thứ bảy, Phạm Mai Anh, học sinh một trường tiểu học ở quận Hà Đông, ngồi vào bàn học, bật máy tính, đăng nhập lớp học thêm qua Zoom của cô giáo chủ nhiệm. Gần 22h hôm trước, Mai Anh mới kết thúc buổi học online theo thời khóa biểu ở trường nên hôm sau phải dậy sớm, bé vẫn ngái ngủ. Một tuần sau khi năm học mới bắt đầu, các lớp học thêm của Mai Anh cũng khởi động.
Lớp gần 60 học sinh được chia thành các ca để phù hợp với thời gian của phụ huynh. Buổi học kéo dài từ 8h đến 11h với phần củng cố kiến thức tối hôm trước và làm bài tập. Thỉnh thoảng một số học sinh trong lớp mở mic hỏi: "Cô ơi khi nào hết giờ" vì muốn ra chơi. Mai Anh ngồi trước màn hình nhưng không tập trung, đôi lúc nằm xuống bàn kêu mệt và chán. Nghe cô giáo gọi phát biểu, bé tắt mic, ngồi im.
"Con chán, không muốn học", cô bé gắt lên khi bị mẹ hỏi.
Hết giờ học buổi sáng, Mai Anh ăn trưa và nghỉ ngơi một chút trước khi vào ca tiếng Anh lúc 14h30. Chiều hôm sau, cũng vào khung giờ này, bé tiếp tục học tiếng Anh. Một tuần, ngoài sáu buổi tối học online trên lớp, Mai Anh còn có ba ca học thêm. Bài tập trên lớp và học thêm dồn dập khiến cô bé làm không kịp.
![Học sinh tiểu học ôn tập online trước khi thi học kỳ II. Ảnh: Bình Minh](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2021/10/25/hoc-sinh-9042-1635125402.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=QacpOb8kw3CwSzrFbakF6g)
Học sinh tiểu học ôn tập online trước khi thi học kỳ II. Ảnh: Bình Minh
Chị Nguyễn Thị Ngân, mẹ bé Mai Anh, cho biết trước dịch, ngoài giờ học trên trường, cuối tuần con học tiếng Anh, vẽ và học ở nhà cô. Do dịch bệnh không đi học trực tiếp được, chị đành cắt lớp vẽ, chỉ duy trì lớp tiếng Anh đã theo từ lâu.
Chung tâm lý sợ việc học của con bị gián đoạn, chị Bùi Khánh Huyền, ở quận Đống Đa, đăng ký cho con gái Khánh Ngân, lớp 4, lớp Toán nâng cao, Văn, tiếng Anh và piano. Các lớp học thêm đều online và kéo dài 2 tiếng, chỉ có lớp piano học trực tiếp ở nhà thầy giáo cạnh nhà. Cô bé không có ngày nghỉ trọn vẹn, có hôm ca học kết thúc lúc 20h. Ban ngày theo các lớp, Khánh Ngân dành buổi tối để hoàn thành bài tập cả học chính và học thêm.
"Những hôm đầu học con thấy buồn ngủ nhưng giờ đỡ hơn, chỉ hơi mỏi mắt", Khánh Ngân cho hay.
Chị Huyền cho biết lịch học hiện tại hầu như không đổi so với trước dịch, thậm chí đã "nhẹ hơn". Theo chị, trong tình hình chưa thể đến trường như hiện nay, việc duy trì các lớp học thêm online như hiện tại giúp con không quên kiến thức và tránh thụt lùi so với bạn bè.
Dù thời lượng học thêm của các em không đổi, thậm chí đã giảm bớt đi, việc chuyển các lớp học thêm từ trực tiếp sang online đã làm gia tăng đáng kể thời gian tiếp xúc máy tính của học sinh, trong bối cảnh các lớp học chính khóa cũng đang được triển khai trực tuyến. Việc này được các chuyên gia cảnh báo sẽ tác động không tốt đến sức khỏe tinh thần và hiệu quả học tập.
Thạc sĩ Lã Linh Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Khoa học Tâm lý - Giáo dục (PPRAC), cho rằng phụ huynh nên cân nhắc đến sự ảnh hưởng của việc học online quá nhiều tới sức khỏe, tinh thần của trẻ. Ngoài chương trình trên lớp, bố mẹ có thể giao bài tập và dành thời gian đồng hành cùng con thay vì phụ thuộc vào việc học thêm.
Chị Nga cho hay việc tiếp xúc với máy tính và học online trong thời gian dài ảnh hưởng nhiều tới tâm lý, cảm xúc và hành vi của trẻ. Trẻ gặp hạn chế trong việc tiếp thu kiến thức, từ đó gây ra chán nản, mất tập trung. Nhiều em tìm đến những thứ hứng thú hơn như chơi game, đọc truyện hay chat trong giờ.
"Khi bị bố mẹ, thầy cô phát hiện và nhắc nhở, đầu tiên con hứa không tái phạm nhưng không thực hiện được. Bị nhắc nhiều, con quay ra thách thức", chuyên gia tâm lý nói.
Thạc sĩ Nga cũng chia sẻ những tình huống chị gặp từ các phụ huynh cần đến sự tư vấn. Một người mẹ từng tìm đến chị, than phiền rằng mình bị sốc khi cậu con trai lớp 8 bỗng trở nên lì lợm, nói "bà đi mà học" với mẹ. Người mẹ đã khóc. Cậu bé chán vì phải học nhiều, lại bị nhắc nhở do thường xuyên chơi game trong giờ học nên sinh ra cáu gắt, có những hành vi được cho là hỗn hào.
Thạc sĩ Nga khuyên phụ huynh cân nhắc giảm thời gian tương tác với máy tính và cường độ học cho con. Thay vì dùng máy tính nhiều, bố mẹ nên khuyến khích con có các hoạt động khám phá, trải nghiệm và đọc sách.
Bình Minh