Theo các chuyên viên của dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng", tiếp cận trên 3.000 học sinh các trường THCS và THPT ở Hà Nội trong 6 tháng qua, họ phát hiện ra nhiều vấn đề không ngờ tới. Đa số học sinh không tìm sự trợ giúp khi bị bạo lực và nhà vệ sinh là nơi mất an toàn nhất ở trường học. Chỉ có 12% học sinh nữ và 22% học sinh nam cho rằng nhà vệ sinh ở trường an toàn và sạch sẽ.
"Khi em đi vệ sinh, mấy bạn nam thường đứng bên ngoài cửa huýt sáo, nhận xét về cơ thể em hoặc xô nhau vào người em. Một số bạn nữ còn bị các bạn nam khênh vào nhà vệ sinh để nhìn những người khác ở trong đó", Phương Anh (học sinh lớp 8, một trường THCS ngoại thành Hà Nội) chia sẻ.
Nguyên nhân mất an toàn được xác định là do nhà vệ sinh ở nơi khuất, không có giáo viên quản lý, đi nhầm bên, học sinh nam thường tụ tập ở khu vực bên ngoài nhà vệ sinh... Các hình thức bạo lực thường xảy ra như đụng chạm cơ thể, trừng phạt thân thể, bắt nạt, quấy rối bằng lời nói, hiếp dâm. Phổ biến nhất là cử chỉ, lời nói, hành động khiếm nhã của học sinh nam đối với học sinh nữ.
Ngay chính khuôn viên trường học cũng bị đánh giá mức độ an toàn rất thấp. Chỉ 16% học sinh nữ và 19% học sinh nam cho rằng luôn luôn an toàn mỗi khi đến trường đi học. "Các bạn nữ xếp hàng mua đồ, đằng sau có bao nhiêu người chen chúc nhau thì các bạn nam có thể tận dụng cơ hội dùng tay đụng chạm vào mông, vỗ mông hoặc giật tóc", một học sinh nữ ở một trường THCS cho biết.
Theo cô Lê Thị Hương Thơ, giáo viên dạy Kỹ năng sống, trường Ngô Sỹ Liên (Hà Nội), trong các buổi khảo sát vấn đề bạo lực học đường, học sinh đều đưa ra nhận xét có cảm giác bị mất an toàn ở nhà vệ sinh. "Phòng tham vấn của trường chưa phải xử lý trường hợp nào nghiêm trọng ở nhà vệ sinh, song chúng tôi nhận được nhiều ý kiến của các em về việc không có cảm giác an toàn ở đây", cô Thơ cho biết.
Để tăng mức độ an toàn ở nhà vệ sinh, trường Ngô Sỹ Liên đưa ra các giải pháp như thay cửa, thay đổi chỗ để xe (nhà xe gần nhà vệ sinh nên nhiều người qua lại nhòm ngó), có biển báo, khóa cửa (có những cửa bị hỏng, không đóng được)...
Chuyên gia tâm lý Minh Hoa cho biết thêm, từng có thời gian dư luận xôn xao các vấn đề như học sinh kéo nhau vào nhà vệ sinh trêu đùa, nghịch ngợm, giải quyết mâu thuẫn, đánh nhau, thậm chí sờ soạng, xâm hại tình dục...
"Tình trạng mất an toàn ở nhà vệ sinh phổ biến ở các trường nông thôn hơn thành phố. Nhất là ở những trường có nhà vệ sinh ở địa điểm khuất, xập xệ. Các trường ở thành phố thường các em phản ánh bị mất an toàn do cảm nhận các ánh mắt, cử chỉ, lời nói khiếm nhã. Để giải quyết vấn đề, một số trường học đã cử người gác phòng vệ sinh vào mỗi giờ ra chơi", chuyên gia tâm lý Minh Hoa nói.
Cũng theo cô Hương Thơ, trung bình một tuần Phòng tham vấn của trường nhận được 5 ca cần tư vấn, chưa kể các ca mới. Trong đó nếu tính riêng bạo lực học đường thì từ khi bắt đầu năm học mới tới nay đã có trên 10 ca.
Trường Ngô Sĩ Liên là trường đầu tiên ở Hà Nội có phòng tham vấn từ năm 2011. Đến nay học sinh phần nào đã quen và xin được tư vấn cởi mở hơn. Tuy nhiên học sinh xích mích với nhau hiếm khi tìm đến sự trợ giúp ở giáo viên. Cán bộ phòng tham vấn chỉ xử lý với các trường hợp phát hiện được.
Phan Dương