Dư luận vẫn đang xôn xao chuyện đề thi ĐH bàn về thần tượng. Công bằng mà nói, cả ba đề thi môn văn năm nay đều hay vì đã chạm vào phần quan trọng của cuộc sống và đạo đức con người.
Quan trọng hơn là nó đã mở ra hướng mới cho dạy học văn và đặt ra vấn đề giáo dục giới trẻ. Hiện tượng “fan cuồng” được nói đến nhiều mà không ai thừa nhận đó là sản phẩm giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội.
Hầu hết các ông cha bà mẹ ngày nay chúi đầu vào công việc kiếm tiền hoặc chăm chút cho cuộc sống của mình. Họ bỏ rơi con cái ngay khi đang sống cạnh mình và mặc nhiên đổ thừa cho hoàn cảnh. Bao nhiêu hệ lụy xảy ra từ đó.
Những lời tuyên bố kiểu "không cần cha mẹ nếu không cho gặp thần tượng" chắc chắn là của những người sống trong gia đình như vậy. Biểu hiện tình thương mà họ nhận được là tiền, không hơn không kém. Cha mẹ không hiểu gia đình là trường học đầu tiên và lớn nhất đối với con cái họ.
Thực tế cũng có một số chịu ảnh hưởng của cơn sóng “Hàn hóa” từ phim ảnh, ca nhạc đến thời trang. Góp phần không nhỏ vào việc này là các kênh truyền hình. Chiếu phim Hàn, quảng bá các nhóm nhạc Hàn, thời trang Hàn nhiều hơn là văn hóa bản xứ.
Thậm chí trong một số chương trình truyền hình người dẫn chương trình từ phong cách đến tóc tai quần áo không giống ngôi sao này, diễn viên nọ thì cũng mang một chút “Hàn hóa” hay “Âu hóa”. Không biết nên gọi là bắt chước hay mê muội thần tượng đây?
Giáo dục trong nhà trường đóng vai trò chính trong việc hình thành tư tưởng, lối sống tốt đẹp cho học sinh. Trách nhiệm này được đặt ra từ lâu lắm rồi nhưng cứ mơ hồ như có, như không vì bệnh thành tích và cách dạy học khuôn mẫu. Chúng ta đang thực hiện giáo dục kỹ năng sống (GD KNS) cho học sinh , có lẽ đề ra năm nay không chỉ đánh giá học sinh mà còn đánh giá hiệu quả GD KNS cho học sinh như thế nào?
Một thực tế đáng buồn đã xảy ra là hàng loạt ý kiến không tán thành đề văn thần tượng, đến mức có em không làm câu này để “bảo vệ thần tượng”. Rõ ràng việc GD KNS không có hiệu quả.
Tuy nhiên thực tế lại khác bởi vì việc thực hiện chương trình GD KNS cũng khác xa so với lí thuyết. Hầu hết giáo viên chỉ thể hiện trong giáo án bằng một vài câu “ GD KNS …”ở phần Mục tiêu bài học còn trong tiết học thực tế không có.
Thậm chí có thầy cô giáo còn ngại nêu ra các vấn đề họ cho là “nhạy cảm”, là không cần thiết khi đi thi … Vì vậy theo tôi, nhiều bài văn đạt điểm cao trong kì tuyển sinh ĐH - CĐ năm nay sẽ rất sáo vì đó không phải là kết quả tư duy biện chứng xã hội mà là học thuộc.
Để học sinh biết “ngưỡng mộ thần tượng” chứ không “mê muội thần tượng” và hiểu về đạo đức trong cuộc sống, nghề nghiệp thì ít nhất thầy cô phải giúp học sinh hiểu thế nào là thần tượng, thái độ sống thế nào là tốt … Từ đây lại đặt ra một khó khăn khác là thời lượng lên lớp và lựa chọn nội dung hợp lý. Điều này phụ thuộc vào kỹ năng sư phạm của giáo viên và “cái tầm” của thanh tra chuyên môn.
Đề mở thì đáp án và cách chấm cũng mở nhưng liệu có bao nhiêu phần trăm giáo viên dạy cho học sinh phổ thông tư duy biện chứng và rèn luyện cho các em kỹ năng phản biện. Để từ đó trò làm được, thầy chấm được bài làm đề mở?
Đối với nhà trường đề văn năm nay hay ở chỗ đặt ra yêu cầu cấp thiết là đổi mới cách dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng mở nhằm giúp học sinh thích nghi nhanh và có kỹ năng ứng xử với cuộc sống.
Trách nhiệm giáo dục thế hệ trẻ cũng thuộc về các phương tiện truyền thông. Có thể nói chung là của xã hội. Hiện tượng “mê muội thần tượng” có rất ít ở nông thôn vì các em không được tiếp cận nhiều với các phương tiện truyền thông.
Thần tượng của giới trẻ nông thôn thường là cha mẹ, anh chị hay một người thành đạt nào đó ở địa phương. Vì vậy không xảy ra “mê muội thần tượng’ đến mức cực đoan như một số blogger đang phản ứng gay gắt với đề thi văn năm nay.
Khép lại một kì thi tuyển sinh ĐH - CĐ nhưng đề thi môn văn lại mở ra một yêu cầu khác cho việc giáo dục tư tưởng, quan niệm của giới trẻ. Đồng thời đề văn như gõ vào cánh cửa trách nhiệm của mỗi gia đình, nhà trường và toàn xã hội để nhắc nhở việc giáo dục đạo đức là của tất cả mọi người, của toàn xã hội.
Và, cần thiết phải thay đổi cách dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh theo hướng mở như đề thi môn văn tuyển sinh ĐH - CĐ năm nay.
Lê Quang Thọ