Ngày 9/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo xây dựng mô hình tư vấn tâm lý trong các cơ sở giáo dục phổ thông và công tác phối hợp nhà trường - gia đình - xã hội.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng đã có chỉ thị về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ. Ngành giáo dục cũng đã có nhiều giải pháp, trong đó có xây dựng trường học thân thiện, tạo môi trường lành mạnh cho học sinh rèn luyện. Tuy nhiên, bạo lực học đường vẫn tiếp diễn. Một bộ phận học sinh chưa ý thức rèn luyện bản thân, có hành động bạo lực.
"Nguyên nhân thì nhiều, trong đó có tác động của mặt trái cơ chế thị trường, lứa tuổi học sinh chưa trưởng thành nên bị những tác động xấu từ môi trường xã hội ảnh hưởng đến hành động, nhân cách. Nếu không có những giải pháp, mô hình tư vấn tâm lý phù hợp trong trường học thì rất dễ dẫn đến việc các em hư hỏng, xảy ra bạo lực học đường, thậm chí phạm tội", Thứ trưởng Nghĩa nói.
Ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Công tác học sinh sinh viên, cho rằng những khó khăn trong cuộc sống của học sinh phổ biến là căng thẳng trong học tập; xung đột trong quan hệ với thầy cô, bạn bè, gia đình; lúng túng trong định hướng nghề nghiệp; các tác động từ mạng Internet... Nếu các em không được chia sẻ, giải tỏa kịp thời thì rất dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
"Nhẹ thì chán, bỏ học, nặng thì trầm cảm, bạo lực học đường, tự tử... Một số học sinh dễ bị sa ngã vào các tệ nạn xã hội như lô đề, cờ bạc, nghiện game, rượu bia, thậm chí ma túy, mại dâm, sống buông thả, sao nhãng học hành. Hậu quả là kết quả học tập yếu kém, bị buộc thôi học, thậm chí vi phạm pháp luật bị xử lý hình sự...", ông Duy Anh nhấn mạnh.
Theo Vụ trưởng Công tác học sinh sinh viên, tình trạng học sinh nói tục, chửi thề, thiếu tôn trọng thầy cô, người lớn tuổi hiện không còn là cá biệt. Vấn đề quan hệ tình dục sớm cũng đáng báo động. Hiện tượng kết bạn trên mạng rồi hình thành các băng nhóm ở tuổi vị thành niên và có những hành vi lệch chuẩn như bỏ nhà đi bụi, trộm cắp, uống rượu bia say xỉn, đua xe, vi phạm giao thông... rất đáng lo ngại trong một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Trong khi đó, công tác chỉ đạo, tổ chức hoạt động tư vấn trong nhà trường còn nhiều bất cập. Tuy đã có nhiều giải pháp, một số nơi đã thành lập được phòng tư vấn tâm lý cho học sinh nhưng hoạt động chưa đồng đều, hiệu quả chưa cao. Một cuộc khảo sát mới đây của Bộ Giáo dục cho thấy, đa phần học sinh có nhu cầu tư vấn tâm lý. Tuy nhiên, các em còn e ngại, không chủ động trong việc tìm kiếm dịch vụ hỗ trợ.
"Khó khăn hiện nay là chưa có biên chế cho bộ phận chuyên trách tư vấn tâm lý ở nhà trường, chưa có kinh phí để hoạt động. Cán bộ tư vấn tâm lý chỉ là kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp", ông Duy Anh nhận định.
Để giải quyết vấn đề này, Bộ Giáo dục cho biết sẽ đề xuất mô hình tư vấn tâm lý áp dụng tại các trường phổ thông. Mục tiêu là tư vấn để giáo dục hình thành các kỹ năng xã hội; tư vấn những vấn đề tâm lý lứa tuổi vị thành niên, thanh niên; tâm lý học giới tính và sức khỏe sinh sản; tâm lý gia đình; hướng nghiệp; những vấn đề của xã hội hiện đại. Cán bộ, giáo viên tư vấn sẽ được xây dựng, bố trí nguồn lực và tài chính để đào tạo chuyên sâu.
Lan Hạ