Ông Dương, Cục phó Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đang cùng ba bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hỗ trợ Khánh Hòa điều trị học sinh bị ngộ độc. Sáng nay, các chuyên gia và Sở Y tế Khánh Hòa họp, thống nhất hướng điều trị, dự phòng và truy xuất nguồn gốc nhiễm khuẩn.
Theo ông Dương, có 206 bệnh nhân gồm một số cô giáo và khoảng 200 học sinh đang điều trị tại 7 cơ sở y tế. Trong đó, Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa điều trị 85 ca - nhiều nhất, các bệnh nhân khác nằm tại Bệnh viện 22/12, Quân y 78, Trung tâm Y tế huyện Yên Khánh và một số bệnh viện tư nhân.
Đa số bệnh nhân tiến triển tích cực, sức khỏe ổn định, tỉnh táo, đỡ mệt, không nôn, không sốt, hết tiêu chảy. Hai bệnh nhi còn điều trị hồi sức tích cực là một bé 11 tuổi (tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa), một em 16 tuổi (ở một bệnh viện tư nhân).
"Một số trường hợp diễn biến nặng một phần do gia đình phát hiện bé có triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, nhưng không đưa đi viện ngay", ông Dương nói. Có những cháu ở nhà qua đêm, hôm sau mới được đưa đi viện. Một số cháu vào viện do tiêu chảy dữ dội, bị tụt huyết áp mạnh, sốt rất cao, rối loạn điện giải, co giật, phải điều trị hồi sức tích cực.
Ông Trịnh Ngọc Hiệp, Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, cho biết hầu hết bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ngộ độc sau khi ăn từ 6 đến 9 giờ. Các bệnh viện tập trung nguồn nhân lực để chữa trị cho bệnh nhân, nuôi cấy mẫu bệnh phẩm xác định tác nhân gây bệnh là khuẩn Salmonella group.
TS. Nguyễn Thị Hương Giang, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, cho biết phác đồ điều trị hiện tại là dùng kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn Salmonella, thời gian điều trị khoảng 5 đến 7 ngày, tiếp tục cân bằng vi khuẩn đường ruột và chữa các triệu chứng.
Nhiễm vi khuẩn Salmonella là trường hợp nhiễm trùng, nhiễm độc thức ăn do vi khuẩn gây ra, sau khi điều trị hết thì không để lại di chứng, theo TS. Giang. Tuy vậy, có trường hợp vi khuẩn trở thành quần cư sống trong đường tiêu hóa, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm, để đảm bảo an toàn thì nên rửa tay trước khi đi vệ sinh, ăn uống. Ngoài ra, hệ vi sinh đường ruột của các cháu bị ngộ độc cũng chưa cân bằng lại được sau khi hết triệu chứng. Do đó, gia đình nên cho bé ăn thức ăn mềm, dễ tiêu, đảm bảo vô khuẩn và sạch, bổ sung các lợi khuẩn (bác sĩ kê toa) để cân bằng lại hệ thống vi khuẩn đường ruột.
Mặt khác, sau khi hết triệu chứng, người bệnh vẫn có thể thải vi khuẩn ra môi trường và làm lây lan vi khuẩn. Do đó ông Dương khuyến cáo: "Quan trọng nhất là tuyên truyền, hướng dẫn gia đình bệnh nhân cách vệ sinh phòng bệnh lây lan ra xung quanh sau khi các bé ra viện", và thêm rằng đây có thể là nguồn lây cho cộng đồng nếu không tuân thủ đúng hướng dẫn vệ sinh phòng bệnh.
Cơ quan chức năng đang tiến hành truy xuất nguồn gốc của khuẩn Salmonella, xem nhiễm khuẩn từ đâu. Viện Pasteur Nha Trang cũng đang xét nghiệm mẫu thực phẩm, dự kiến chiều 22/11 có kết quả.
Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa ghi nhận từ tối 17/11 đến sáng 22/11, các bệnh viện tiếp nhận 648 học sinh trường Ischool ngộ độc sau bữa ăn trưa, trong đó một ca tử vong. TS. Cao Văn Trung, Phó Trưởng phòng Giám sát ngộ độc và thông tin truyền thông (Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế), nhận định đây là vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất trong khối học đường. Trước đây, những vụ ngộ độc tập thể chủ yếu xảy ra ở khu công nghiệp, số lượng lên đến vài nghìn ca.
Rút kinh nghiệm về ứng phó sự cố ngộ độc lần này, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng năng lực y tế cơ sở tại chỗ rất quan trọng, song song đó là sự phối hợp với các cơ quan chuyên môn từ xa. "Các đơn vị có bếp ăn bán trú cần rút kinh nghiệm qua sự cố này, thực hiện giám sát kỹ lưỡng an toàn thực phẩm", bác sĩ Nguyên đề nghị.
Bùi Toàn - Lê Nga