Chiều 10/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lấy ý kiến học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Nhiều học sinh thẳng thắn chỉ ra một số quy định chưa đảm bảo bình đẳng giới.
Khánh Linh (lớp 11 Sử) cho rằng cần sửa đổi các hình ảnh trong sách giáo khoa. "Khi nói về nghề nghiệp ở sách Tự nhiên xã hội lớp 1, nam giới luôn được xếp vào các ngành bác sĩ, cảnh sát, luật sư, kỹ sư, còn nữ giới được giới thiệu làm nội trợ, nông nghiệp, nhân viên, y tá. Các danh nhân thế giới được đưa vào sách giáo khoa cũng phần nhiều là nam, không phải nữ", nữ sinh phản ánh.
Sách Đạo đức, Giáo dục công dân, theo Khánh Linh cũng tồn tại vấn đề bất bình đẳng giới. Khi ví dụ học sinh nghịch ngợm, sách đưa hình ảnh các bạn trai trong khi thực tế không phải bạn nam nào cũng nghịch và bạn nữ nào cũng ngoan. Việc ấn định con trai có xu hướng nghịch ngợm còn con gái chăm ngoan, lo nữ công gia chánh là một trong những gốc rễ khiến số lượng con trai học môn tự nhiên nhiều hơn, bởi nghịch là "biểu hiện của sự khám phá". Định kiến trong sách và suy nghĩ của nhiều người khiến các bạn nữ đến độ tuổi nào đó sẽ khép mình lại, hạn chế khám phá, để đúng với chuẩn mực xã hội đặt ra cho giới mình.
Đồng tình với đề xuất cân bằng hình ảnh nam - nữ trong sách giáo khoa, nhưng Thùy Linh (lớp 11 Văn) cho rằng quan điểm giáo viên về giới quan trọng hơn. Hiện có tình trạng giáo viên phân biệt về giới khi ứng xử với học trò. Ví dụ thầy cô thường chọn nữ để làm những công việc như lau dọn, trang trí lớp học; nam đi bê vở. Trong khi đó học sinh nữ với sức bền dai hơn, hoàn toàn có thể cùng các bạn nam bưng bê, nhiều em nam khéo tay hơn con gái.
"Từ cấp 1 đến giờ em chứng kiến nhiều thầy cô có góc nhìn, quan điểm, hành động bất bình đẳng giới. Ví dụ cô chủ nhiệm lớp 9 của em khi mời học sinh về nhà tổ chức tiệc đã cho các bạn nam ngồi chơi xem tivi, còn bạn nữ giúp cô nội trợ... Trong quy định, một số trường cấm học sinh nam để tóc dài. Em rất bức xúc với điều này và không hiểu vì sao thầy cô không cho phép con trai, còn con gái được để tóc dài", Thúy Hiền (lớp 11 Văn) nói.
Học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đề nghị Bộ Giáo dục nâng cao nhận thức về giới cho giáo viên, mong muốn được thầy cô tôn trọng sự khác biệt từ cá tính, suy nghĩ hay xu hướng giới tính. Sự tôn trọng đó sẽ giảm được tình trạng chảy máu chất xám hiện nay.
Cho rằng môi trường giáo dục hiện đại rất cần sự bình đẳng giới, nhiều học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam ủng hộ dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung một số quy định nhằm đảm bảo quyền này. Tuy nhiên, Điều 12 về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong dự luật đang dùng khái niệm "nam - nữ" để nói về giới. Theo Mai Anh (lớp 11 Sử), điều này là thiếu sót bởi xã hội bây giờ có nhiều người thuộc giới tính thứ ba. Em đề xuất mở rộng khái niệm về giới để đảm bảo quyền lợi cho mọi người.
Ở buổi góp ý dự thảo tại Đại học Xây dựng sáng 11/1, Phan Đức Mạnh, sinh viên năm nhất khoa Công trình thủy cho rằng sự bình đẳng giới cần thể hiện rõ ở các môn học, đặc biệt là giáo dục thể chất. Hiện chương trình môn Thể dục ở cấp THPT chỉ dừng lại ở mức đảm bảo thể chất cho học sinh trong quá trình học. Còn với đại học, môn học này trở thành tiêu chí quan trọng để ra được trường. Tuy nhiên, đa số nội dung được sắp xếp trong chương trình yêu cầu người học phải có sức khỏe, thể lực tốt.
"Có những môn như xà kép hay chạy 1.500 mét, các bạn nam có thể qua dễ dàng, nhưng bạn nữ lại rất vất vả. Điều này thể hiện sự bất bình đẳng và Bộ Giáo dục cần điều chỉnh để đưa và nội dung mà cả nam và nữ đều có thể học", Mạnh nói.
Cảm ơn góp ý của học sinh, sinh viên, Vụ phó phụ trách Giáo dục Công tác học sinh sinh viên (Bộ Giáo dục) Bùi Văn Linh cho biết sẽ tiếp thu và đề xuất cùng ban soạn thảo hoàn thiện dự Luật Giáo dục sửa đổi.
Không cần thiết bổ sung quy định trường chuyên trong dự thảo Luật Giáo dục?
Điều 61 trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi có bổ sung quy định về trường chuyên để làm rõ hơn đối tượng vào học. Một số học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam cho rằng không cần thiết bởi không thấy tầm ảnh hưởng của việc bổ sung này.
Ngoài ra, điều luật này nêu đối tượng vào học trường chuyên là "học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu của các em về một số môn học..., tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước", cũng gây sự băn khoăn về tính cần thiết.
Theo Thuý Hiền (lớp 11 Văn), quy định này không có ý nghĩa khi hầu hết học sinh học xong đều muốn đi nước ngoài và không học/làm đúng chuyên môn mình đã được đào tạo ở trường THPT chuyên. Ví dụ, học sinh chuyên Văn không vào học Sư phạm Văn hoặc nghiên cứu Văn.
Quỳnh Trang