8h30, Mai Hồng Ngọc, giáo viên môn Toán một trường THCS ở Hà Nội bắt đầu lớp học trực tuyến với khoảng 30 học sinh. Sau khi điểm danh được 15 phút, một tài khoản lạ đăng nhập nhóm, mở nhạc lớn khiến cả lớp bị phân tán. Ngọc không biết làm sao để xoá người này ra khỏi lớp học, yêu cầu họ đi ra cũng không được. "Cuối cùng, cả lớp phải thoát nhóm để tạo phòng học mới", Ngọc nói.
Hoàng Tuấn, ở Đà Nẵng, cho biết, lớp học online của con anh đột nhiên có "Khá Bảnh" vào cười nói luyên thuyên. Anh gọi ngay cho cô giáo mới biết người này đột nhiên vào lớp phá đám, mời không ra. "Giáo viên phải cho học sinh tạm nghỉ để tìm cách giải quyết", anh kể.
Việc liên tục có người lạ vào quấy rối các lớp học online mới diễn ra gần đây. Một số học sinh phát hiện ra sơ hở bảo mật của các phần mềm học trực tuyến rồi lên mạng xã hội nhờ người lạ vào gây rối. "ID 9823xx89834/Pass 12345, lúc 7h30 thứ 6, app Zoom, nhờ anh Huấn với anh Khá vào chỉ giáo", một tài khoản để lại bình luận dưới video của "Khá Bảnh". Dưới đó, hàng chục bình luận tương tự với thông tin về phòng học, thời gian và kêu gọi mọi người vào "học chung" cho vui.
Theo thầy Nguyễn Văn Minh, giáo viên tin học tại Hà Nội, ngày càng nhiều thầy cô phản ánh về việc người lạ vào lớp học trực tuyến và gây mất trật tự. "Học ở trường thì có bảo vệ, người lạ không vào trong gây rối được, nhưng học trực tuyến thì ngược lại. Nhân viên kỹ thuật của trường chỉ hỗ trợ được việc cài đặt phần mềm và bảo mật cơ bản. Còn khi tổ chức các lớp học online, thầy trò phải tự kiểm soát với nhau".
Theo thầy Minh, nguyên nhân đầu tiên đến từ việc lựa chọn ứng dụng để học trực tuyến. Nhà trường nên có ngân sách cho thầy cô mua những phần mềm tốt, bảo mật cao. Hiện tại, một số nơi, thầy cô phải chủ động nên ưu tiên hàng đầu là sử dụng các phần mềm miễn phí, dễ dùng.
Hơn nữa, đây là lần đầu tiên các thầy cô được trải nghiệm dạy và học trực tuyến, không phải ai cũng thành thạo các phần mềm này nên nhiều người đã bỏ qua nhiều thao tác bảo mật, hoặc gặp tình huống bị "phá rối" như trên thì không biết cách giải quyết. Ví dụ, trong Zoom, khi thiết lập, các thầy cô cần mở chế độ phòng chờ để khi có tài khoản lạ tham gia, "host" chấp nhận thì mới được vào lớp. "Nhưng nhiều thầy cô đã bỏ qua bước này khiến nhiều tài khoản lạ truy cập vào phòng họp tự do", thầy Minh giải thích.
Hiện tại, Zoom là một trong những ứng dụng được sử dụng nhiều nhất.
"Zoom có nhược điểm là bất kỳ ai cũng có thể tham gia lớp học trực tuyến nếu có mã cuộc gọi và video. Một số học sinh đưa mã này lên mạng xã hội, từ đó ai cũng có thể vào lớp khiến giáo viên không kiểm soát được", thầy Minh nói.
Theo các chuyên gia công nghệ, Zoom là ứng dụng dễ dùng nhưng bảo mật kém. Người dùng nên chuyển qua những ứng dụng có tính bảo mật tốt hơn. Ví dụ, một số trường học dùng ứng dụng Microsoft Teams để học trực tuyến. Người tham gia phải đăng nhập bằng tên, mã số sinh viên nên giáo viên có thể dễ dàng kiểm soát. Tuy nhiên, nhược điểm của ứng dụng này là cần nhiều thao tác cài đặt, không phải giáo viên, học sinh nào cũng có thể sử dụng.
Hiện tượng "mời" người lạ vào "học chung" diễn ra từ cấp phổ thông lẫn đại học. Nhiều người đã phản ứng mạnh mẽ và gọi đây là hành vi phá hoại. "Nếu không muốn học thì xin nghỉ, đừng làm ảnh hưởng đến cả tập thể. Đây không phải trò đùa mà là ý thức, đạo đức của học sinh", tài khoản Lan Anh bình luận. Các thành viên các hội nhóm trên mạng xã hội đang kêu gọi nhau chụp lại màn hình, lập danh sách những người phát tán tài khoản lớp học để gửi nhà trường có liên quan xử lý.