Vẫn chưa hết cảm xúc vui mừng vì cùng một lúc giành cả hai giải nhất nhì, Duy cho biết, ý tưởng thực hiện sản phẩm được xuất phát từ sau khi ông ngoại em qua đời vì bị té cầu thang trong khi mọi người trong nhà đều đi vắng.
Duy nhận hai giải trong hội thi. Ảnh: A. H. |
Duy thật thà chia sè: "Nếu được phát hiện kịp thời thì chắc ông ngoại em đã không mất sớm như vậy. Em muốn làm ra một sản phẩm cho những người già ốm đau khi bị ngã sẽ nhanh chóng có được tín hiệu thông báo đến người thân đến cứu giúp".
Chiếc máy Duy sáng chế được cấu tạo bởi 2 bộ phận chính là phát và thu. Thiết bị được đeo trên người các cụ già. Khi té hoặc có sự va đập, máy sẽ phát ra tín hiệu truyền đến bộ phận thu, rồi truyền đến điện thoại của người thân đã được cài sẵn. Ngoài ra thiết bị còn có thêm chức năng trợ giúp bằng việc ấn nút gọi người thân khi có nhu cầu. Với tính thực tiễn cao và dễ sử dụng, sản phẩm này đã hoàn toàn thuyết phục ban giám khảo, giúp Duy giành giải nhất của hội thi.
* Clip: Thanh Duy bảo vệ đề tài "Máy trợ giúp người già" trước hội đồng |
Nói về thành tích của con trai, chị Hồng Anh, mẹ của Thanh Duy kể, từ năm học lớp 3, khi bắt đầu biết đọc sách, cậu bé đã ham thích các quyển sách khoa học. Cũng từ nhỏ, Duy đã thích mày mò, lôi dụng cụ cà lê, tua vit của bố ra tháo lắp đủ thứ. Có khi, cậu còn giấu bố mẹ "phá" các vật dụng điện trong nhà. Thường xuyên bị bố mẹ nhắc nhở mà Duy vẫn không chừa.
"Chúng tôi biết cháu thích tìm hiểu và sáng tạo, nhưng vì còn quá nhỏ chưa được học tường tận nên những thứ liên quan đến điện đều rất nguy hiểm. Biết tính con nên những khi cháu lắp ráp và kết nối mấy thiết bị điện, bố cháu đều phải hỗ trợ, canh chừng để đảm bảo an toàn", chị Hồng nói.
Không chỉ có ý tưởng giúp đỡ người thân, cậu bé lớp 7 còn gây bất ngờ khi táo bạo đưa ra sáng chế về giải pháp chống ngập cục bộ cho thành phố. Sản phẩm này giúp Duy "ẵm" thêm giải nhì của hội thi.
Theo lý giải của Duy, nguyên nhân chính gây ngập lụt của thành phố hiện nay không phải là do lưu lượng nước mưa đọng lại trên mặt đường mà là do nước từ dưới cống trào lên. Địa hình thành phố cao thấp không đều, nước từ những nơi cao chảy xuống nơi thấp khiến những nơi địa hình thấp bị ngập nặng. Từ đó, Duy đưa ra giải pháp thiết kế van một chiều theo mô hình bong bóng khí phía dưới miệng cống. Khi dòng nước dưới ống dâng cao, nước sẽ đẩy chiếc van lên, lấp miệng cống không cho nước tràn lên mặt đường.
7 năm liền là học sinh xuất sắc, góc học tập của Duy được xếp đầy bằng khen. Ngoài đam mê khoa học, Duy cho biết, em cũng rất yêu thích môn Văn. Ảnh: H. Duyên. |
Khi được hỏi, vấn đề ngập nước ở thành phố đang làm đau đầu nhiều người, với vốn kiến thức hạn hẹp của một học sinh lớp 7, liệu đề tài này có quá sức? Duy không ngần ngại: "Đề tài lớn thì lớn thiệt, em nhỏ thì nhỏ thiệt. Nhưng theo phân tích của bản thân, em thấy đề tài của mình rất chắc chắn và thực tế".
Năm nay, chuẩn bị lên lớp 8, Duy vẫn còn ấp ủ nhiều ý tưởng sáng tạo và hy vọng các sáng chế của bản thân sẽ được áp dụng trong thực tế. Bật mí về những ý tưởng trong tương lai, Duy cho biết đang trăn trở về cách giúp đỡ những công nhân môi trường nạo vét cống rãnh bớt nguy hiểm và vất vả. Một chiếc máy hút bùn đang "len lỏi" trong đầu của cậu bé và cậu đang tích cực tìm hiểu và nghiên cứu để chiếc máy này không chỉ trong suy nghĩ.
Hai sản phẩm vừa đoạt giải của Duy tiếp tục được gửi dự thi ở Hội thi sáng tạo trẻ cấp quốc gia, dự kiến tổ chức trong thời gian tới. Năm 2009, lần đầu tiên tham dự hội thi này, Thanh Duy cũng giành được giải 3 cấp quốc gia với đề tài "Lò đốt chất thải nilon không độc hại".
Hải Duyên