Chị Tô Thị Quỳnh Giao có con học xong chương trình tiểu học tại trường Tiểu học Lý Đạo Thành, TP Sóc Trăng. Năm học 2016 - 2017, hay tin con trai Lâm Sơn Vũ được tuyển vào lớp 6 ở một trường THCS trên địa bàn, chị rất vui.
"Mừng chưa lâu thì mấy ngày sau khai giảng, giáo viên chủ nhiệm mời tôi đến thông báo con tôi chưa biết đọc, viết nên không thể học lớp 6. Họ đề nghị cho cháu về lại trường cũ học chương trình lớp 1", chị Giao nói.
Kiểm tra thực tế khả năng của Vũ, nhiều người bất ngờ khi em không thể viết được tên của mẹ mình, dù được mọi người xung quanh đánh vần cho từng chữ.
Theo gia đình, trong hai năm Vũ học cuối cấp tiểu học, họ có phát hiện kiến thức của con không đạt nên yêu cầu trường cho em ở lại lớp, nhưng không được chấp nhận. "Trường nói con tôi đủ số điểm để lên lớp, chỉ cần phụ đạo thêm kiến thức là ổn, nhưng giờ sự việc ra thế này tôi cũng không biết phải làm sao", chị Giao tâm sự.
Bị từ chối nhận vào lớp 6, Vũ được trả về trường cũ và được nhà trường bố trí học lại, nhưng hiện em đã bỏ học.
Cô Nguyễn Huỳnh Ngọc Hạnh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lý Đạo Thành xác nhận về trường hợp của Vũ là có thật, đồng thời cho biết, khi tiếp nhận lại Vũ, trường khắc phục bằng cách mỗi buổi sáng cử một giáo viên kèm riêng cho em, bắt đầu từ chương trình lớp 1.
"Chúng tôi đang liên hệ với gia đình để vận động em tiếp tục đến trường", cô Hạnh nói và cho biết khâu kiểm tra chất lượng hàng năm được nhà trường làm rất kỹ lưỡng, nhưng trường hợp của Vũ là do một phần lỗi của nhà trường vì quá tin tưởng vào giáo viên.
Trường hợp của Vũ không phải là cá biệt ở TP Sóc Trăng, thầy cô giáo ở trường Tiểu học Lê Hồng Phong cũng đang đau đầu vì trường này có 8 em học lớp 3 mà không biết đọc, hơn 10 em đọc chữ còn phải đánh vần.
Hồi đầu năm học, nhiều học sinh được lên lớp 2 ở trường Tiểu học thị trấn Lịch Hội Thượng A (huyện Trần Đề, Sóc Trăng) cũng không biết đọc, viết nên phụ huynh làm đơn xin cho con ở lại lớp 1.
Các trường tiểu học trên đều đạt chuẩn quốc gia về giáo dục. Một số giáo viên cho biết, việc giao chỉ tiêu và áp lực của trường chuẩn quốc gia là rất lớn. "Cuối năm, mỗi lớp học sinh lưu ban không được quá một em. Đây cũng là nguyên nhân khiến giáo viên, nhà trường chạy theo thành tích mà quên đi chất lượng giảng dạy", giáo viên chia sẻ.
Trước thực trạng có nhiều học sinh cấp tiểu học không biết đọc, viết nhưng vẫn được lên lớp, trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Sóc Trăng Dương Thị Ngọc Diễm lý giải là do đặc thù của địa phương có đông con em đồng bào Khmer, khả năng tiếp thu của các em còn nhiều yếu kém, mặt khác do năng lực của giáo viên hạn chế.
"Phòng đã chỉ đạo các trường có biện pháp nhằm giúp học sinh phụ đạo thêm kiến thức, đồng thời giảng dạy theo tiêu chí chất lượng", bà Diễm nói.
Trao đổi với VnExpress, bà Nguyễn Thị Tuyết Hà, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, thừa nhận thực tế ở một số trường tiểu học trên địa bàn xảy ra tình trạng trên. "Việc này không riêng ở thành phố, mà ngay ở các vùng nông thôn cũng có nhưng chỉ chiếm số ít. Tuy nhiên, đây là sơ sót lớn cần được chấn chỉnh sớm", bà Hà nói và cho biết đã chỉ đạo ngành giáo dục tỉnh tăng cường đến cơ sở kiểm tra, tổng hợp để báo cáo đến UBND tỉnh.
Phúc Hưng