Việc đăng ký nghĩa vụ quân sự được quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015, theo đó: "Đăng ký nghĩa vụ quân sự là việc lập hồ sơ về nghĩa vụ quân sự của công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự".
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 12 Luật này quy định về điều kiện đăng ký nghĩa vụ quân sự đối với công dân nam là: "Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên".
Theo các quy định trên, đăng ký nghĩa vụ quân sự không đồng nhất với việc gọi nhập ngũ mà chỉ liên quan đến việc lập hồ sơ về nghĩa vụ quân sự của công dân khi công dân nam đủ 17 tuổi.

Hhơn 1.000 thanh niên ở thành phố Huế lên đường nhập ngũ hôm 14/2. Ảnh: Võ Thạnh
Như vậy, việc đăng ký nghĩa vụ quân sự không phải được gọi nhập ngũ. Theo quy định tại Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ thì: "Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi".
Trong trường hợp con bạn đủ điều kiện sức khỏe nhưng chưa đủ 18 tuổi vẫn sẽ chưa được gọi nhập ngũ.
Về tiêu chuẩn sức khỏe về mắt: Điểm c khoản 3 Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP ngày 04/10/2018 của Bộ Quốc phòng quy định tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ về quy định về 3 tật khúc xạ về mắt như sau: "Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS".
Do đó, nếu người khám sức khỏe nhập ngũ bị cận thị 1,5 diop trở lên sẽ được đánh giá là không đủ điều kiện sức khỏe để gọi nhập ngũ.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội