Ngày 24/4, tại trường Phổ thông liên cấp Olympia, Hà Nội, học sinh tất cả khối, lớp tham gia vào ngày hội showcase - hướng nghiệp "Bản sắc và hội nhập" nhằm báo cáo sản phẩm học tập hay các dự án đã làm trong kỳ học qua. Nhiều dự án được giáo viên theo sát và đánh giá để lấy điểm kiểm tra hệ số từ 1 đến 3, thay thế bài kiểm tra thường xuyên, giữa kỳ hay thậm chí cả bài kiểm tra học kỳ.
Đứng cạnh khung treo banner nêu tổng quan về đồng bằng sông Hồng và một bàn đồ ăn đặc trưng của khu vực này, Phúc giới thiệu và trả lời mọi thắc mắc liên quan đến địa hình, khí hậu, sông ngòi, tài nguyên, âm nhạc, trang phục, ẩm thực.
Vây quanh em là một số giáo viên, phụ huynh, mỗi người cầm một phiếu với 10 câu hỏi trắc nghiệm khách quan do Phúc và các bạn trong nhóm chuẩn bị. Họ vừa nghe Phúc thuyết trình, vừa làm phần trắc nghiệm cùng chủ đề. Khi có bất kỳ câu hỏi gì, họ có thể yêu cầu Phúc ngừng lại và giải đáp. Đa số câu hỏi rơi vào những gì nhóm đã tìm hiểu nên Phúc tỏ ra tự tin.
Phúc cho biết phần chuẩn bị của nhóm thuộc dự án "Dấu ấn Việt Nam", được học sinh khối 12 và giáo viên Địa lý thống nhất thực hiện từ trước Tết. Kết quả dự án sẽ là căn cứ để chấm điểm cuối kỳ (hệ số 3) thay cho bài kiểm tra.
Học sinh khối 12 được chia làm 14 nhóm, mỗi nhóm 4 người cùng tìm hiểu về các vùng kinh tế của Việt Nam. Từ khi nhận được thông báo đến hôm nay, các em phải cùng nghiên cứu, lên ý tưởng thuyết trình, trưng bày và trải qua nhiều lần báo cáo với giáo viên, nghe cô góp ý và tiếp tục tìm hiểu chuyên sâu để đưa ra được những sản phẩm học tập hoàn chỉnh, phục vụ cho dự án.
Việc làm dự án đối với Phúc khá áp lực vì dài hạn, trong khi em vẫn phải học nhiều môn khác. Nhưng đổi lại, Phúc hài lòng vì được học chuyên sâu và thực chất hơn. "Nếu chỉ dựa vào kiến thức trong sách, chúng em không thể tạo ra dự án này vì phải tìm hiểu rất nhiều thứ. Chẳng hạn khi đưa món cá kho làng Vũ Đại vào phần giới thiệu ẩm thực, mọi câu hỏi xung quanh món ăn này như chọn cá gì, kho như thế nào chúng em đều phải biết", Phúc nói. Nhờ đó, Phúc biết nhiều hơn chứ không chỉ vài dòng mô tả diện tích, khí hậu, địa hình trong sách giáo khoa.
Ngoài việc buộc phải tìm hiểu sâu hơn, Phúc cũng thích được làm dự án hay sản phẩm học tập vì chúng giúp em nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, làm việc có kế hoạch và khả năng thuyết trình, thuyết phục người khác.
Cũng trong dự án "Dấu ấn Việt Nam", nhóm của Vũ Thị Thục Anh phụ trách phần giới thiệu về đồng bằng sông Cửu Long. Mặc chiếc áo bà ba, quần đen, quàng khăn rằn, Thục Anh mời giáo viên, phụ huynh thưởng thức món đuông dừa được nhóm em đặt từ trong Nam ra. Hễ có ai quan tâm tìm hiểu về đặc sản, trang phục hay thông tin về vùng này, em và bạn lại chia nhau giải đáp.
"Chúng em đã có thời gian dài chuẩn bị nên rất tự tin khi được hỏi về bất kỳ điều gì liên quan đến đồng bằng sông Cửu Long, kể cả kiến thức không nằm trong sách giáo khoa", Thục Anh nói. Nữ sinh khẳng định em và hầu hết bạn bè thích làm dự án như này hơn chỉ học trong sách rồi làm bài kiểm tra bởi rèn được nhiều kỹ năng, nâng cao hiểu biết và điểm cũng cao hơn.
Cô Nguyễn Thị Trinh, giáo viên Địa lý khối 12, cho biết vẫn thường xuyên tổ chức các hoạt động trải nghiệm, dự án môn học hay dự án liên môn thay thế cho một số bài kiểm tra bởi nhà trường nêu rõ quan điểm "giáo viên không nhất thiết phải đánh giá học sinh bằng bài kiểm tra trên giấy".
Với dự án "Dấu ấn Việt Nam", học sinh khối 12 đã tự lên ý tưởng và xin cô Trinh cho làm dự án tổng kết về địa lý Việt Nam để được tìm hiểu và luôn nhớ về nó dù đi học ở nước ngoài. Cô Trinh thấy hay nên đã lên kế hoạch gửi ban giám hiệu và xin phép cho thay thế bài kiểm tra cuối kỳ.
"Học sinh rất hứng thú. Sau giờ học hay cuối tuần, các em lại cùng nhau làm dự án. Trước khi đến buổi thuyết trình hôm nay, các em đã nhiều lần báo cáo tiến độ, thuyết trình trước lớp, nộp kế hoạch, nội dung để tôi kiểm duyệt, hướng dẫn", cô Trinh nói. Dù vậy hôm nay, cô vẫn đến hỏi từng nhóm, ghi âm lại để làm căn cứ cho điểm.
Theo thông tư số 26 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT, có hiệu lực từ 11/10/2020, việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên có thể được thực hiện trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua hỏi - đáp; viết ngắn; thuyết trình; thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập gắn với chủ đề dạy học cụ thể.
Kiểm tra, đánh giá định kỳ (giữa kỳ và cuối kỳ) cũng được đa dạng hóa thông qua bài kiểm tra (có thể thực hiện trên giấy hoặc trên máy tính từ 45 đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa là 120 phút), bài thực hành, dự án học tập. Đây là điểm mới mà thông tư cũ không có.
Cô Trinh cho rằng sự thay đổi này rất cần thiết và hợp thời bởi bài kiểm tra trên giấy thường là dạng "đóng", đơn thuần xem học sinh có nắm kiến thức đã học không. Còn với làm dự án, sản phẩm học tập, các em sẽ được phát triển nhiều năng lực như tổ chức, sắp xếp thời gian, hợp tác làm việc nhóm hay năng lực tự học, tự nghiên cứu. "Chắc chắn, giáo viên và các nhà trường đều rất ủng hộ thông tư này", cô Trinh nhận định.
Ngoài dự án "Dấu ấn Việt Nam" lấy điểm học kỳ của lớp 12, giáo viên này cũng đang cho học sinh khối 11 làm các bài tập kéo dài 4-5 tiết học nhằm tìm hiểu du lịch các quốc gia trong thời Covid-19 hoặc vẽ truyện tranh, hoạt hình về chuyến tham quan tới các nước trong tưởng tượng. Những bài tập ngắn hạn kiểu này sẽ thay thế cho bài kiểm tra thường xuyên hoặc giữa kỳ.
Không chỉ với môn Địa của cô Trinh, nhiều giáo viên môn học khác của trường Olympia cũng cho học sinh thực hiện dự án thay thế bài kiểm tra. Như hôm nay, khối 11 của trường đã trình diễn một vở nhạc kịch, mở triển lãm nhiều sản phẩm vẽ nón trong dự án "Hà Nội trong mắt tôi". Dự án này giúp các em có một đầu điểm kiểm tra thường xuyên và chiếm 50% điểm học kỳ.
Bùi Linh Chi, một trong những học sinh thực hiện dự án, cho biết đã đi khắp phố phường để tìm ra những thứ tạo nên nét đẹp riêng của Hà Nội, tìm đọc các tài liệu để có thể so sánh quá khứ và hiện tại. "Chúng em đã học được nhiều thứ, biết thêm nhiều tác phẩm văn học ngoài sách giáo khoa về Hà Nội", Linh Chi nói, bày tỏ mong muốn được làm nhiều dự án hơn nữa trong thời gian tới.