Chính vì thế, Sở GD&ĐT TP HCM quyết định gia hạn thêm 10 ngày nữa với mong muốn gia tăng lượng đơn nộp vào. Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm GDTX quận 1, cho biết: “Chúng tôi đã mua sẵn 50 bộ hồ sơ cho học sinh tại Công ty Sách-Thiết bị trường học, đồng thời thông báo rộng rãi cho các em biết. Nhưng không hiểu sao đến thời điểm này, chưa thấy em nào đến đăng ký”.
Theo thống kê, đến hết sáng 11/5, tại Trung tâm GDTX quận 1, quận 5, quận Thủ Đức… vẫn chưa có học sinh nào đăng ký. Ở Trung tâm GDTX quận 2, chỉ có duy nhất 1 bộ hồ sơ. Tại Trung tâm GDTX quận 8, số lượng có khả quan hơn chút ít, nhưng cũng chỉ có mươi em nộp đơn.
Nguyên nhân của sự "ngại ngùng" này là hầu hết học sinh bổ túc trong độ tuổi đều có xuất phát từ chính hệ … phổ thông. Vì học lực không đạt tiêu chuẩn nên buộc lòng phải chuyển hệ. Nay, dù được tạo điều kiện trở lại hệ phổ thông song do tự lượng sức mình, các em không hứng thú gì lắm. Thứ hai là lý do kinh tế. Học phí của hệ bổ túc rẻ hơn so với hệ phổ thông, số môn học cũng ít hơn nên học sinh có thể làm thêm phụ giúp gia đình. Một nguyên nhân khác cũng quan trọng không kém là vì tâm lý học sinh ngại thay đổi môi trường. Chuyển hệ để làm gì trong khi trên danh nghĩa, văn bằng hệ bổ túc nằm trong hệ thống văn bằng của quốc gia, có giá trị ngang bằng hệ phổ thông. Mặt khác, đến giữa học kỳ 2 Bộ GD&ĐT mới ra quyết định đồng ý cho học sinh tốt nghiệp hệ bổ túc thi tuyển vào lớp 10 hệ phổ thông. Nhiều giáo viên tiếc nuối: Giá như bộ ra thông báo sớm hơn nữa thì nhà trường không bị động và học sinh có thời gian để chuẩn bị tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Cương, Trưởng phòng GDTX, Sở GD&ĐT, cơ sở vật chất của các trung tâm còn chưa tương xứng với nhiệm vụ, chức năng của ngành. Hiện ngành GDTX có khoảng 42.000 học viên, bằng 1/3 số học sinh phổ thông. Thế nhưng hầu hết các trung tâm đều nhỏ hẹp, chắp vá, không đáp ứng yêu cầu của 1 trường học.
Trên lý thuyết, mỗi trung tâm phải có tối thiểu một bộ khung giáo viên cơ hữu (1 môn/1 giáo viên) song thực tế, 2/3 giáo viên dạy tại các trung tâm GDTX đều là thỉnh giảng. Toàn ngành có trên 1.800 người (nhưng chỉ có 19 người có trình độ trên ĐH), trong số đó có 307 chuyên dạy, 874 thỉnh giảng.
Ông Phạm Bá Đằng, Giám đốc Trung tâm GDTX quận Thủ Đức, kiến nghị: Phải nâng cao chất lượng của hệ bổ túc văn hóa hơn nữa bằng nhiều biện pháp, kể cả biện pháp tổ chức hành chính lẫn chuyên môn. Điều cần làm trước hết là quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và con người. Làm được như thế mới hy vọng chất lượng hệ bổ túc không chênh lệch lắm so với hệ phổ thông.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)