Kim Hyun-kyung loay hoay chuẩn bị cho các bài kiểm tra vật lý, hóa học và lịch sử. "Tôi không thể lãng phí một giây nào được", Kim nói.
Học sinh Hàn Quốc trong giờ học âm nhạc. Ảnh: IHT. |
Ước mơ của Kim là được nhận vào đại học Havard, Yale hoặc các trường danh tiếng của Mỹ. Cô bé có nhiều khả năng đạt được mục tiêu đó. Mùa xuân này, hầu hết 133 học sinh tốt nghiệp Daewon được nhận vào các trường lớn ở Mỹ. Tỷ lệ thành công này khiến nhiều bậc phụ huynh Mỹ ghen tị, đặc biệt là trong thời điểm khi mà con em họ phải nhận thư từ chối của các trường chúng yêu thích.
"Du học Mỹ trở thành mốt ở xã hội Hàn Quốc và các tên tuổi lớn như Havard, Yale, Princeton, được nhiều người nhắm tới", Victoria Kim, cựu học sinh của Daewon vừa tốt nghiệp Havard, cho hay.
Đối thủ lớn của Daewon là Học viện Lãnh đạo Minjok, cách Seoul 3 giờ lái xe. Học viện này cũng có tỷ lệ sinh viên được nhận vào các trường danh giá của Mỹ rất cao.
Công thức của hai trường này khá đơn giản. Họ chọn các học sinh xuất sắc ở cấp trung học cơ sở, cho các em vào các lớp dạy bằng tiếng Anh. Giáo viên là người Hàn Quốc hoặc người Mỹ được trả lương cao chót vót. Học sinh được thực tập viết luận, cùng các kỹ năng khác để đạt điểm cao trong các bài thi SAT, điều kiện nhập học các trường Mỹ.
Các em vừa phải theo chương trình của Hàn Quốc, vừa được giảng dạy với phong cách phương Tây. Năm học của chúng dài hơn các bạn Mỹ một tháng. Tiền học cũng không hề khiêm tốn. Học phí ở Daewon lên tới 5.000 USD một năm, học sinh phải biết ít nhất hai ngoại ngữ ngoài tiếng Anh. Để học ở trường nội trú Minjok, học sinh phải trả 15.000 USD một năm. Phần lớn cha mẹ chúng đều là luật sư, giáo sư hay bác sĩ giàu có.
Và tất nhiên, ban giám hiệu cả hai trường này đều coi tình cảm trai gái là chuyện vớ vẩn. "Các cô cậu đang làm gì thế, cầm tay nhau á?", một quản lý ở Daewon từng mắng đôi học sinh. "Cô cậu nên đi học đi".
Học trò có vẻ không hề phản đối. Park Yeshong cho biết hấp dẫn giới tính giảm đi sau hàng trăm tiết học cùng nhau. "Chúng tôi hiểu nhau quá rõ nên không thể yêu được", cô bé nói. Nhiều nhà giáo dục Mỹ chắc chắn thầm mong có được những học sinh kỷ luật thế này.
Quá trình tuyển sinh vào hai trường này khá giống với các trường đại học Mỹ. Học sinh được đánh giá dựa trên điểm học cũng như kết quả các bài thi đặc biệt và phỏng vấn. "Thậm chí học sinh kém nhất của chúng tôi cũng rất giỏi", Joseph Foster, dạy môn viết ở Daewon, nói.
Năm nay, hồ sơ xin nhập học Havard từ Hàn Quốc đã tăng lên gấp ba từ năm 2003. Havard hiện có 37 sinh viên đại học là người Hàn Quốc, chỉ thua Canada và Anh. Havard, Yale và Princeton có tổng cộng 103 sinh viên Hàn Quốc, 34 trong số này tốt nghiệp ở trường Daewon và Minjok.
Kim Hyun-kyung đạt điểm tối đa trong môn từ vựng và toán trong bài thi SAT. Tháng tới, cô sẽ phải tham gia 9 môn thi nữa, bao gồm vật lý, hóa học, lịch sử châu Âu và 6 môn khác. Kim không hề theo học một khóa chuyên sâu nào, vì thế, cô phải tranh thủ thời gian giữa các giờ học ở Daewon vùi đầu vào các cuốn sách. Cô bé đến trường từ 6h50 sáng và lên xe buýt về nhà lúc 10h50 tối. Giữa thời gian đó là những giờ học, hàng loạt các môn như kinh tế, địa lý, thơ cổ, văn học Pháp ...
Chương trình ở học viện Minjok thậm chí còn căng thẳng hơn. Học sinh phải dậy từ lúc 6h sáng để tập võ và đóng bộ áo quần dài tay màu xám và đen lăn vào các lớp học chỉ kết thúc trước nửa đêm, đó là lúc họ có thể ngủ. Nhưng phần lớn học trò ở đây thức tới 2h sáng. Khi đèn ký túc đã tắt, nhiều em còn thắp đèn lồng và tiếp tục học. "Về cơ bản, chúng tôi rất vất vả", một sinh viên năm cuối nói.
"Nhưng chúng tôi không chỉ là những con mọt sách", Choi Jung-jun, một học sinh Minjok nói. Học trò ở đây chơi thể thao, tham gia nhiều câu lạc bộ, thậm chí còn lập ban nhạc. Điều này đã được đại sứ Mỹ ở Hàn Quốc Alexander Vershbow khẳng định qua bức ảnh chụp ông chơi trống cùng ban nhạc rock trường này.
Hải Ninh (theo IHT)