Sáng 15/8, cán bộ Chi cục Kiểm lâm, Tổ chức động vật châu Á cùng thầy cô Trường Tiểu học Phụng Thượng (Phúc Thọ, TP Hà Nội) đã hướng dẫn học sinh trồng cây thảo dược đầu tiên thay thế mật gấu.
Học sinh tự xới đất, nhổ cỏ, trồng và tưới cây, biến khu đất trống 200 m2 thành vườn sinh học với 20 loại cây thảo dược và sắp tới là 32 loại. Chúng nằm trong trong sách "Các cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế mật gấu" (Trung ương Hội đông y Việt Nam, 2012).

Học sinh Trường tiểu học Phụng Thượng tạo vườn sinh học với 32 loại cây thảo dược. Ảnh: Tổ chức động vật châu Á.
Khi vườn sinh học hoàn thiện, nhà trường sẽ để học sinh cùng chăm sóc ngoài giờ học. Đây cũng là cách bồi đắp kỹ năng sống xanh, thân thiện với thiên nhiên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Với khu vườn mới, học sinh còn có thêm kiến thức về các cây thông dụng, thân thuộc nhưng có tác dụng chữa bệnh, an toàn với con người mà không làm hại đến các loài gấu như mã đề, quế, ngải cứu, huyết dụ, đào... Từ đó, chính các em sẽ tuyên truyền tới gia đình và cộng đồng khuyến khích sử dụng các loại cây thuốc thay thế mật gấu.
Xã Phụng Thượng có khoảng 200 con gấu đang bị nuôi nhốt trong các hộ dân, chiếm đến 1/4 số lượng gấu bị nuôi nhốt trong các trang trại trên khắp cả nước.

Kiểm lâm hướng dẫn học sinh trồng cây. Ảnh: Tổ chức động vật châu Á.
Tổ chức động vật châu Á hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng và vận hành Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam (Tam Đảo, Vĩnh Phúc). Sứ mệnh quan trọng nhất của Tổ chức là cứu hộ gấu, chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật bất hợp pháp và bảo tồn loài gấu ngoài tự nhiên.
Tổ chức bắt đầu cứu hộ gấu tại Việt Nam từ năm 2006, đến nay với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, 173 cá thể gấu đã được cứu hộ, chăm sóc và phục hồi bản năng trong các khu nuôi gấu bán tự nhiên.