Thứ sáu, 24/5/2024
Thứ ba, 12/8/2014, 14:27 (GMT+7)

Học sinh Hà Nội làm triển lãm ảnh nạn nhân chiến tranh

Một nhóm học sinh lớp 12 ở Hà Nội tranh thủ dịp hè, vào Quảng Trị để tìm hiểu cuộc sống của những nạn nhân chiến tranh. Câu chuyện về những số phận không may mắn sau đó được các em kể lại bằng hình ảnh qua một triển lãm đang diễn ra tại Hà Nội.

Triển lãm ảnh "Đi qua chiến tranh" của nhóm 11 học sinh trường THPT Hà Nội - Amsterdam khai mạc sáng 11/8 tại 61 Tràng Tiền, Hà Nội. Gần 50 bức ảnh là những câu chuyện về các nạn nhân chiến tranh ở Quảng Trị, được đông đảo công chúng Thủ đô đón nhận.

Mọi công việc tổ chức triển lãm do các em tự thực hiện, từ in ấn, làm decor, tờ giới thiệu... cho đến mời khách tới dự khai mạc. Trần Minh Đức, học sinh lớp 12 Toán 1, dán poster lên ô kính bên ngoài triển lãm. Em cũng là người gọi tài trợ cho nhóm thực hiện dự án.

Tác phẩm của em Phạm Như Anh lớp 12 Toán 1 ghi lại khoảnh khắc bà Nguyễn Thị Soa, người bị tật nặng ở chân do vướng mìn, khóc khi kể về những khó khăn trong cuộc sống, gây ấn tượng mạnh tại triển lãm.

Như Anh còn để lại cho người xem nhiều cảm xúc ở tác phẩm chụp ông Trần Văn Cường, người bị mất một chân khi đi cuốc đất trúng phải mìn, đang vui mừng khi thử nghe ống nghe của thiết bị dò mìn tự chế.

Tác phẩm của Nguyễn Hữu Duy lớp 12 Toán 2 khắc họa chân dung ông Hoàng Văn Đức, người mất đi đôi chân trong qua trình dò mìn còn sót lại từ thời chiến tranh, cũng được nhiều khách xem triển lãm đánh giá cao.

Tác phẩm của Nguyễn Hồng Việt lớp, lớp 12 Lý 2, gây cảm xúc đặc biệt bởi ảnh mắt, nụ cười của nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Đắc Vĩnh.

Em Nguyễn Đoàn Tùng, học sinh lớp 12 Toán 2, cũng góp công cùng các bạn ghi lại câu chuyện đấu tranh với thương tật của nạn nhân bom mìn. Nhóm của Tùng có 7 bạn nữ và 4 bạn nam, đều là học sinh khối 12 của trường THPT Hà Nội - Amsterdam. Các em tự lên ý tưởng, dành dụm tiền tiêu vặt và xin thêm bố mẹ để cùng nhau đi Quảng Trị thực hiện dự án ảnh.

Với khả năng nói tiếng Anh lưu loát, Tùng kiêm luôn nhiệm vụ hướng dẫn khách nước ngoài tới xem triển lãm. Anh Simou Michel, du khách người Thụy Sỹ vô tình ghé vào triển lãm, liên tục thốt lên "Unbelievable" (không thể tin được!) khi nghe Tùng giới thiệu về các nhân vật trong ảnh. "Thụy Sỹ đã 700 năm không hề có chiến tranh, nên tôi không biết nhiều về các cuộc chiến tranh trên thế giới. Đây là trải nghiệm rất quý giá với tôi. Tôi đã rất sốc khi xem các bức ảnh. Ngày mai tôi phải rủ thêm bạn bè tới đây xem mới được", Simou Michel cho biết.

Quá trình thực hiện dự án, các em luôn nhận được sự động viên, giúp đỡ của phụ huynh. Ông Nguyễn Bá Cầu, 66 tuổi, cùng vợ nán lại triển lãm rất lâu để ủng hộ cháu ngoại Nguyễn Hà Trang, học sinh lớp 12 Anh 1. "Tôi rất mừng vì các cháu đã làm được một việc thể hiện "người trong một nước phải thương nhau cùng". Mong các cháu mạnh khỏe, giàu ý tưởng và thành công với vô vàn những ước mơ trong sáng", ông Cầu nói.

Các tác phẩm còn được in nhỏ để bán lấy tiền giúp đỡ cho các nhân vật trong ảnh. Nhiều vị khách đã nhiệt tình ủng hộ, trả giá gấp nhiều lần giá bán.

Quý Đoàn