Giáo dục thể chất là môn học bắt buộc, được thực hiện từ lớp 1 đến lớp 12 với nội dung chủ yếu là rèn luyện kỹ năng vận động và phát triển tố chất thể lực cho học sinh bằng những bài tập thể chất đa dạng như: các bài tập đội hình đội ngũ, bài tập thể dục, trò chơi vận động, môn thể thao và kỹ năng phòng tránh chấn thương trong hoạt động thể dục thể thao.

Học sinh trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (TP HCM) tập võ trên nền nhạc Vovinam. Ảnh: Lê Bình
Nội dung giáo dục thể chất được chia thành hai giai đoạn. Ở giáo dục cơ bản, môn học này giúp học sinh biết cách chăm sóc sức khỏe và vệ sinh thân thể; hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khỏe; hình thành kỹ năng vận động cơ bản, phát triển tố chất thể lực. Học sinh được lựa chọn nội dung hoạt động thể dục thể thao phù hợp với thể lực của mình và khả năng đáp ứng của nhà trường.
Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, môn Giáo dục thể chất được thực hiện thông qua câu lạc bộ thể dục thể thao. Ngoài việc tiếp tục phát triển các kỹ năng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, những học sinh có năng khiếu thể thao có thể tự chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp cho mình.
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh được lấy làm trung tâm, giáo viên được yêu cầu vận dụng linh hoạt phương pháp như trực quan, sử dụng lời nói, tập luyện, sửa sai, trò chơi, thi đấu, trình diễn. Đồng thời, giáo viên phải biết cách sử dụng nguyên tắc đối xử cá biệt, phù hợp với sức khỏe của học sinh.
Môn Giáo dục thể chất cũng sẽ tích hợp kiến thức một số môn học khác, một số bài hát, bản nhạc để tạo không khí vui tươi, hưng phấn trong tập luyện, tạo hứng thú cho học sinh.
Thời lượng dành cho môn Giáo dục thể chất ở mỗi lớp là 70 tiết trong năm học, được phân bổ cho các nội dung phù hợp với từng cấp học. Ví dụ ở bậc tiểu học, nội dung vận động cơ bản với các bài tập đội hình đội ngũ, bài tập thể dục, tư thế và kỹ năng vận động chiếm 65% thời lượng. Còn ở cấp THPT, nội dung trên không còn. Thay vào đó, các môn thể thao tự chọn chiếm 90% thời lượng; thời gian còn lại dành cho đánh giá cuối kỳ, cuối năm học.
Tối 27/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố chương trình giáo dục phổ thông mới với chương trình tổng thể và chi tiết 27 môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình được chia thành hai giai đoạn: giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến 12).
Bộ Giáo dục sẽ thực hiện chương trình mới theo từng lớp. Năm học 2020-2021 áp dụng với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, 7 và 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, 8 và 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, 9 và 12.