Ông Nguyễn Viết Chức. Ảnh: P.V. |
- Có ý kiến cho rằng, cấm học sinh Hà Nội đi xe máy là thiếu khả thi bởi hiện nay các em phải đi học thêm nhiều hơn, trong khi hệ thống xe buýt chưa tiện lợi. Dưới góc độ của một đại biểu Quốc hội, ông nghĩ gì?
- Tôi cho rằng chủ trương chấn chỉnh tình trạng học sinh đi xe máy của Hà Nội là hoàn toàn chính xác, xét cả về phương diện luật pháp và tình trạng an toàn giao thông. Người Việt Nam luôn tạo ra hàng vạn lý do để không tuân theo luật. Luật đã quy định rõ, học sinh dưới 18 tuổi chưa được cấp bằng lái xe, người điều khiển phương tiện không có bằng lái rõ ràng là vi phạm pháp luật.
Không thể vin vào chuyện nhà xa, xe buýt không thuận lợi mà cho phép con em sử dụng xe máy. Chúng ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền, mỗi người dân cần phải xây dựng ý thức chấp hành pháp luật, đặc biệt là các em học sinh. Theo tôi, học sinh không bằng lái điều khiển xe máy cần phải phạt như những người vi phạm khác.
- Nhưng luật pháp đặt ra cũng nhằm tạo sự thuận lợi cho người dân, thưa ông?
- Luật pháp xây dựng dựa trên cái tối ưu, tạo thuận tiện cho đa số người dân, nhưng không có nghĩa thuận tiện cho tất cả mọi người. Các em dưới 18 tuổi chưa được lấy bằng lái là vì lý do an toàn giao thông. Mỗi năm chúng ta có hàng nghìn người chết do tai nạn, trong đó có nguyên nhân quan trọng là ý thức người điều khiển phương tiện.
- Không phải tất cả học sinh đi xe máy hiện nay đều thiếu ý thức. Có ý kiến cho rằng, do cuộc sống nâng cao, các em hiện nay thông minh, có sức khỏe hơn ngày trước, do vậy thay đổi độ tuổi được phép lấy bằng lái. Ông nghĩ sao?
- Tôi không đồng tình với ý kiến cho rằng, những học sinh đi xe máy đến trường đều là con nhà giàu, đua đòi, thiếu ý thức giao thông. Tuy nhiên, tôi đã nói ở trên, luật quy định tạo điều kiện tối ưu theo số đông. Khi ấn định độ tuổi được phép lấy bằng, chúng ta đã tính đến yếu tố tâm sinh lý của đa số công dân ở lứa tuổi đó.
Mỗi lứa tuổi khác nhau được hưởng những quyền và trách nhiệm khác nhau. Ví dụ trẻ 5 tuổi được quyền khám chữa bệnh miễn phí nhưng lại chưa được đi học vào lớp 1. Một số em 5 tuổi cũng thông minh đâu kém các em 6 tuổi. Tôi cũng đồng tình là nếu cấm triệt để học sinh đi xe máy, cũng có những bất hợp lý nhưng luật phải được tôn trọng.
- Mặc dù Hà Nội có những biện pháp quyết liệt nhưng tình trạng học sinh đi xe máy đến trường vẫn tiếp diễn. Ông nghĩ gì trước đề xuất là nhà trường cần phải xử lý kỷ luật những học sinh đi xe máy?
- Những học sinh đã được nhắc nhở nhiều lần mà cố tình vi phạm, nhà trường cần phải có biện pháp xử lý kỷ luật, nhưng mức độ phải xem xét cụ thể. Tôi cho rằng, các trường cần phải đặt ra mức xử lý cụ thể, ví dụ vi phạm lần đầu xử lý thế nào, vi phạm lần thứ hai thì xử lý ra sao...
Trách nhiệm của nhà trường quan trọng nhưng không thể khoán hết nhà trường. Nhiều học sinh không gửi xe vào trường mà gửi ở bên ngoài sau đó đi bộ vào, hoặc có nhiều cách lách luật. Nhà trường có thể giáo dục nhưng cũng không thể đuổi học những em đi xe máy. Tôi nghĩ muốn chấn chỉnh tình trạng học sinh đi xe máy, trước hết là trách nhiệm của gia đình, cần có sự đồng thuận của các bậc phụ huynh, học sinh.
- Là một phụ huynh có con ở độ tuổi THPT, xin được hỏi thẳng là con trai ông đi đến trường bằng phương tiện gì?
- Để chấp hành đúng luật không cho con em đi xe máy, nhìn ngoài thì tưởng dễ nhưng vào từng gia đình mới thấy khó. Ngoài học chính khóa, bây giờ các cháu còn đi học thêm. Từ nhà tôi ở phố Nguyễn Du đến trường học của cháu cũng khoảng 4 km, cũng may là thuận đường đi làm của vợ tôi, nếu ngược đường thì không biết làm thế nào?
Con trai tôi học lớp 12, cao 1,7 mét. Thế nhưng hằng ngày cháu vẫn phải ngồi sau xe máy của mẹ đến trường. Nói thật là không phải thanh niên bây giờ đứa nào cũng hư, cũng thiếu ý thức do đó cần phải khéo léo động viên. Tôi thường nói với cháu là gia đình có thể cố gắng mua xe máy, cháu có thể lái xe còn tốt hơn cả mẹ. Tuy nhiên, cháu chưa đủ tuổi thi lấy bằng. Chấp hành đúng pháp luật, cũng có những trường hợp thiệt thòi nhưng xét chung trên toàn xã hội thì nó mang lại tốt đẹp.
Việt Anh thực hiện