Gần 100 hiệu trưởng, hiệu phó THPT trên địa bàn Hà Nội đã tham dự Hội nghị chuyên đề giáo dục trật tự an toàn giao thông trong các trường học Hà Nội năm 2007 do Sở GD&ĐT tổ chức. Đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức hội nghị chuyên đề giải quyết tình trạng học sinh đi xe máy đến trường.
Căn bệnh kinh niên này chỉ giảm mỗi khi được thực hiện ráo riết. Ảnh: T.D. |
Tiến sĩ Đinh Sĩ Đại, Hiệu trưởng THPT Chu Văn An: "Phải phạt hành chính phụ huynh có con đi xe máy".
Nhiều năm nay, Sở và các trường đã tuyên chiến với nạn đi xe máy. Tuy nhiên, căn bệnh kinh niên này chỉ giảm mỗi khi được thực hiện ráo riết. Còn sau đó, đâu lại vào đấy. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự thực hiện thiếu đồng bộ. Tức là cần phải phạt hành chính phụ huynh có con đi xe máy tới trường.
THPT Chu Văn An có nhiều học sinh đi xe máy, nhưng đều gửi tại các bãi quanh trường nên rất khó kiểm soát. Đặc biệt, vào thứ 7, phụ huynh được nghỉ nên học sinh rất hay lấy xe máy của gia đình đi học. Đây là quy luật mà các trường trung học thấy rất rõ.
Do vậy, cha mẹ học sinh chính là những người cần phải vận động. Trong thời đại ngày nay, học sinh có nhu cầu đi lại nhiều để thu nhận kiến thức từ bên ngoài. Phải chấp nhận đó là quy luật và cần tìm ra giải pháp giải quyết vấn đề đó. Nếu chỉ bó gọn cuộc vận động này trong phạm vi các trường và CSGT thì chưa ổn. CSGT đâu thể trực suốt ngày trên đường. Và nếu phạt thì bằng tiền hay như thế nào rồi giữ xe ở đâu... tất cả đều chưa có chế tài.
Tôi chưa nhìn thấy CSGT giữ xe của học sinh vi phạm. Ảnh: T.D. |
Thày Kiều Trung Tiến, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Trãi: "Nhà trường cũng bó tay nếu học sinh cứ cố tình vi phạm".
Lâu nay, tôi chưa nhìn thấy CSGT giữ xe của học sinh vi phạm. Tại bãi xe trên phố Kim Mã, học sinh đàng hoàng dắt xe ra trước sự chứng kiến của cảnh sát. Trong 4 ngày liên tiếp kiểm tra các bãi xe, trường đã cho nghỉ học 1 ngày đối với 21 học sinh gửi xe máy bên ngoài. Nếu những học sinh này vi phạm lần 2 sẽ bị nghỉ học 3 ngày và vi phạm lần 3 sẽ phải nghỉ học 1 tuần. Nhưng hiện trường vẫn chưa biết xử lý thế nào nếu học sinh tiếp tục vi phạm lần 4, lần 5...
Phải trực tiếp ra bãi xe kiểm tra, tôi cũng thấy xấu hổ. Bởi có người cho rằng như thế là tích cực, chủ động, nhưng cũng không ít người chê bai: "đó là việc của bảo vệ, hiệu trưởng làm gì phải thế". Sau đợt kiểm tra vừa rồi, trường đã phát hiện ra biện pháp chống đối của học sinh. Đi ngoài trường, học sinh ăn mặc như người bình thường. Đến bãi gửi xe, các em mới khoác vào người bộ đồng phục.
Tôi cũng buồn khi thấy bảo vệ bãi xe tiếp tay cho học sinh. Mỗi lần thấy chúng tôi đứng kiểm tra, những người trông xe này thường vẫy tay ra hiệu cho học sinh tránh đi nơi khác. Việc không cho học sinh gửi xe tại đây đã phần nào ảnh hưởng thới thu nhập của họ.
Được mời đến trường, dù nhận lỗi nhưng nhiều phụ huynh cũng bày tỏ: "Cháu nó yếu nên gia đình cho đi xe máy để đảm bảo sức khỏe".
Theo tôi nghĩ, chắc chắn không thể chấm dứt hẳn việc đi xe máy và tình trạng này sẽ vẫn còn lác đác. Do vậy, cần làm điều tra xã hội học để có thể điều chỉnh luật trong trường hợp cần thiết.
Phụ huynh không nên giao xe cho con. Ảnh: T.D. |
Thày Nguyễn Hữu Chiệu, Hiệu trưởng THPT Trần Phú: "Chỉ ngăn được học sinh đi xe máy nếu phụ huynh ủng hộ".
Học sinh nhà ở xa được vận động đi xe buýt và trường tạo điều kiện tốt nhất để các em làm vé tháng. Còn học sinh có bằng lái xe được gửi xe miễn phí trong trường. Nhưng số này vẫn còn rất ít.
Tuy nhiên, không dễ để có thể giải quyết triệt để học sinh đi học bằng xe gắn máy vào tháng 4 này. Do đó, để trường thực hiện tốt chủ trương, phụ huynh phải ủng hộ, CSGT phải hỗ trợ kiểm tra thường xuyên học sinh mặc đồng phục đi xe và công an địa phương cần kiểm tra các bãi trông xe.
Nhiều em học xa, học thêm cho rằng nếu đi xe đạp sẽ không đủ thời gian. Do vậy, trường cũng khuyên học sinh cần coi học thêm theo đúng nghĩa "thêm". Cái gì cần thiết mới học, không nên học tràn lan, không nên học thêm theo phong trào.
Chỉ khi nào phụ huynh ủng hộ nhà trường, ủng hộ pháp luật và không giao xe cho các em đi lại, thì khi đó chủ trương này mới được thực thi tốt.
Cần điều tra xã hội học về việc cấm học sinh đi xe gắn máy. Ảnh: T.D. |
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng THPT DL Đinh Tiên Hoàng: "Có học sinh đe bỏ học nếu không được đi xe máy".
Đa phần học sinh dân lập Đinh Tiên Hoàng ở xa nên số học sinh đi xe đạp đến trường không nhiều. Đa phần các em kỳ thị với loại phương tiện này. Nhiều em cho rằng thà đến trường bằng các phương tiện khác chứ nhất quyết không chịu sử dụng xe đạp. Thậm chí, có em còn sẵn sàng bỏ học khi không được gia đình mua xe cho. Do đó chỉ có xe buýt là phù hợp và thành phố cần có chính sách hạ giá xe buýt cho học sinh.
Đặc biệt, trong năm học này, trường đã tiến hành thống kê số học sinh của trường bị tai nạn giao thông. Theo đó, toàn trường có 64 học sinh bị tai nạn giao thông, chiếm gần 5% tổng số học sinh. Dự kiến, trường sẽ mời chính các học sinh từng bị tai nạn giao thông này nói chuyện với các bạn khác về an toàn giao thông.
Kết luận hội nghị, Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn chưa đưa ra biện pháp hữu hiệu nào để giải quyết triệt để tình trạng học sinh chưa đủ điều kiện vẫn đi học bằng xe máy, ngoài mốc hoàn thành vào tháng 4 năm nay. Nhiều hiệu trưởng THPT cho rằng nếu chỉ làm như hiện nay thì không dễ cấm triệt để học sinh đi học bằng xe gắn máy theo đúng hạn định. Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường nghiêm túc triển khai rà soát và lên danh sách những học sinh vẫn cố tình đến trường bằng xe máy gửi ngoài cổng trường; có biện pháp xử lý đối với học sinh vi phạm, nộp danh sách học sinh này về ban chỉ đạo ngành vào ngày 15/3/2007. Định kỳ 25 hằng tháng, các trường nộp báo cáo kết quả triển khai hoạt động về Sở. |
Tiến Dũng