Trở về Việt Nam sáng 31/7 sau chuyến bay kéo dài 12 tiếng từ Pháp, Nguyễn Đình Hoàng (trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành) cười tươi khi thấy thầy cô, gia đình và bạn bè từ Yên Bái xuống Hà Nội để chúc mừng. "Chưa bao giờ có nhiều người muốn chụp ảnh cùng em đến vậy", chàng trai bông đùa.
Chị Nguyễn Thị Phương Huyền, mẹ của Hoàng, chia sẻ con trai sớm được định hướng theo học các môn tự nhiên. Phần vì cứ đi thi chỉ được giải khuyến khích môn Toán và Lý, phần được ông bà ngoại là giáo viên dạy Hóa truyền cảm hứng, Hoàng tỏ ra hứng thú với những tiết học Hóa.
Hết năm lớp 8, em đã tự đọc xong sách Hóa học lớp 9. Sau khi đỗ cả chuyên Hóa và chuyên Toán trường Chuyên Nguyễn Tất Thành, em chọn theo Hóa và chỉ trong thời gian đợi nhập học đã lấy sách lớp 10 ra đọc hết.
"Tôi cảm nhận được con học bằng đam mê chứ không áp lực. Gia đình chưa bao giờ ép con học. Có khi con chơi đến 22h30 rồi mới bắt đầu ngồi vào bàn, nhưng một khi học thì rất tập trung và có thể ngồi đọc sách liền mạch đến 3h sáng hôm sau mà không biết mệt", chị Huyền kể.
Với Hoàng, Hóa học mang đến nhiều trải nghiệm, cả thành công và thất bại. Năm lớp 11, được tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Hóa học và đoạt giải nhất, nhưng Hoàng lại tỏ ra buồn bã. Em đạt điểm lý thuyết rất cao - 37,7/40, nhưng phần thi thực hành chỉ 0,2/2 điểm, tức chỉ làm được 1/10 bài thi. Với Hoàng, đó là số điểm tồi bởi không những không làm được thí nghiệm, việc đơn giản hơn là viết ra hai công thức Hóa em cũng làm sai.
Thi trong nước, điểm thực hành chỉ chiếm 2/42, nhưng khi thi quốc tế trọng số phần thi này là 40/100. Nếu không cải thiện, Hoàng sẽ không thể đi thi chứ chưa nói sẽ giành giải. Nhận thức được điều đó, em cẩn thận hơn và rèn luyện kỹ năng thực hành mỗi ngày.
Ở cuộc thi Olympic Hóa học quốc tế, Hoàng là thí sinh Việt Nam có điểm thực hành thấp nhất. "Lý thuyết có thể đọc trong sách vở hay lên mạng tìm kiếm, song phần thực hành em gặp khó vì trang thiết bị thực hành ở tỉnh miền núi như Yên Bái không thực sự tốt", Hoàng nói, hy vọng các trường học ở Yên Bái sẽ được đầu tư nhiều hơn để thế hệ học sinh sau em có những bước tiến xa hơn.
Chia sẻ về bí quyết học tập, Hoàng bảo học được cũng phải chơi được. Thay vì học nhiều để rồi bị rối kiến thức, em dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, chơi thể thao và các game online xả stress. Hoàng cũng đặt ra một nguyên tắc ở tất cả cuộc thi là không đặt mục tiêu thành tích. "Ở kỳ thi Hóa học lần này, em chỉ thiếu một chút điểm nữa là được huy chương vàng. Nhưng với em, huy chương bạc là rất ổn", Hoàng nói.
Chàng trai sinh năm 2001 rất vui khi có những trải nghiệm mới như đi tham quan lâu đài Versailles hay Viện bảo tàng Louvre ở Pháp. Em quen một số bạn mới, trong đó có thí sinh Việt kiều trong đoàn Canada.
Cô Phạm Thị Hải Linh, giáo viên chủ nhiệm, nhận xét Hoàng có khả năng ghi nhớ và tiếp thu nhanh. Cô Linh từng chứng kiến học trò đọc quyển sách dày trong khoảng một tuần mà vẫn ghi nhớ hết nội dung trong đó.
"Với bạn bè, Hoàng hòa đồng, tham gia tất cả hoạt động ngoại khóa của lớp, trường và chơi game rất giỏi. Trong thời gian xuống Hà Nội học đội tuyển và đi sang Pháp thi, cả lớp ai cũng nhớ, thường xuyên nhắc đến em", cô Linh nói.
Khép lại cuộc thi, Hoàng cảm thấy tự hào về những gì đã làm. Tháng tới, em sẽ nhập học ngành Y khoa của Đại học Y Hà Nội theo diện tuyển thẳng, thực hiện ước mơ trở thành bác sĩ.
Olympic Hóa học quốc tế lần thứ 51 (năm 2019) được tổ chức tại Pháp với sự tham dự của hơn 300 thí sinh đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Bốn học sinh Việt Nam tham dự đều đạt giải. Trong đó, Trần Bá Tân (THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) và Nguyễn Văn Chí Nguyên (THPT Chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa) giành huy chương vàng. Hai em còn lại đoạt huy chương bạc là Nguyễn Đình Hoàng (THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, Yên Bái) và Phạm Thanh Lâm (THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định).
Với thành tích này, Việt Nam đứng thứ năm chung cuộc, sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Mỹ.