Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập (khoản 5 Điều 2).
Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng quy định, 2 hành vi học sinh không được làm khi tham gia học tập tại trường là xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác, học sinh khác; và đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng (Điều 37).
Đối với học sinh khi có hành vi bạo lực học đường tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi, học sinh vẫn có thể sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi bạo lực cấu thành tội phạm.
Về xử phạt vi phạm hành chính:
- Phạt cảnh cáo: Người đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính, bị phạt cảnh cáo, không áp dụng phạt tiền.
- Phạt tiền: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính thì bị phạt tiền không quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên. Nếu không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, cha mẹ hoặc người giám hộ phải thực hiện thay.
- Với những hành vi bạo lực học đường có dấu hiệu tội phạm nhưng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, nguwoif vi phạm sẽ bị áp dụng hình thức giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào cơ sở giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. (Điều 89, 90, 91, 92, 93, 94 Luật Xử lý vi phạm hành chính)...
Xử lý hình sự:
Hành vi bạo lực học đường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác hoặc tội Làm nhục người khác (Điều 134, Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015).
- Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác: Có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 6 tháng-20 năm hoặc tù chung thân. Người chuẩn bị phạm tội này cũng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù 3 tháng-2 năm.
- Tội Làm nhục người khác: có thể bị phạt tiền 10- 30 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 5 năm.
Với trường hợp của em bạn, nhóm học sinh có hành vi bạo lực học đường đối với em bạn đang học lớp 12, đủ 16 tuổi trở lên, nên theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, nhóm học sinh này phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm, song mức hình phạt có nhẹ hơn tội phạm trưởng thành.
Cụ thể, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định (Khoản 1 Điều 101 Bộ luật Hình sự 2015).
Ngoài ra, đối với trường hợp bị bạo lực học đường, người bị hại còn có thể yêu cầu người có hành vi vi phạm bồi thường thiệt hại do danh sự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm, tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định, hoặc theo các bên thỏa thuận (Điều 592 Bộ luật dân sự 2015).
Việc đánh đập gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của con bạn nên gia đình bạn có thể yêu cầu nhóm học sinh trên hoặc cha mẹ, người giám hộ của họ phải bồi thường thiệt hại.
Gia đình bạn nên kết hợp giải quyết vụ việc với nhà trường, gia đình, địa phương các học sinh trên cư trú. Nếu nhận thấy không có kết quả và con bạn vẫn gặp nguy hiểm, bạn có thể cân nhắc làm đơn trình báo cơ quan điều tra để xử lý hành chính, hình sự.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội