Người gửi: Nguyen Hanh Hon
Tôi ở một huyện thuộc tỉnh Hải Dương. Quê tôi nổi tiếng là hiếu học, cả xã chỉ có hai thôn với khoảng hơn 1.000 hộ dân mà mỗi năm có khoảng 30 - 40 cháu đỗ đại học, còn đỗ cao đẳng và trung cấp thì nhiều lắm. Các cháu không có điều kiện học hành tốt như ở thành phố và việc học chủ yếu dựa vào ý thức tự giác.
Tôi rất ủng hộ việc thi 3 chung như hiện nay vì đã giảm nhiều chi phí cho nhà nước, cho nhân dân. Tuy nhiên, vừa qua, khi biết Bộ GD&ĐT dự định gộp 2 kỳ thi vào làm một, tôi thấy rất lo lắng.
Việc thi cử ở quê tôi và các làng quê khác cũng vậy thôi, chưa được nghiêm túc cho lắm. Lực lượng bảo vệ canh gác an toàn trật tự thi là công an địa phương nên họ làm cũng không quyết liệt bởi vì chính con cháu họ đang thi, người ném bài cũng là người dân địa phương cả. Các trường trong huyện, tỉnh bị hoán chuyển hội đồng thi và dẫn đến là cùng nới lỏng cho nhau "để cho các cháu nó được nhờ".
Chuyện con ông cháu cha cũng không tránh khỏi, thầy hiệu trưởng THPT quê tôi xuất thân từ giáo viên dạy Vật lý. Thầy rất giỏi, cả 2 con gái của thầy đều là học sinh giỏi THPT 3 năm liền và là học sinh chuyên Toán của trường. Thi tốt nghiệp THPT, cháu lớn được 59 điểm, cháu bé được 56 điểm.
Vậy mà trong kỳ thi đại học năm 2005, con gái lớn của thầy thi đại học được đúng 0,5 điểm môn Toán còn 2 môn kia được điểm 0. Vì học chuyên Toán và là học sinh giỏi nên cô này không thi cao đẳng hoặc trung cấp. Năm sau, con thầy lại đèn sách đi thi và kết quả cũng là điểm 3 môn dưới 5. Thầy đành phải nhờ học sinh cũ xin cho con vào học Trung cấp Y ở Hải Dương.
Rút kinh nghiệm đứa trước, năm 2007 thầy cho cô con gái bé vào Nam để "có gì" đỡ phải mang tiếng. Nhưng do điểm thi được công bố trên mạng nên cả huyện lại đồn ầm việc con thầy... trượt.
Lỗi ở đây không phải do thầy hay con thầy mà tôi muốn nói đến tính chưa nghiêm túc trong giáo dục và tổ chức thi của giáo viên các trường THPT, thường là nâng đỡ con em quan chức dẫn đến các cháu không đánh giá đúng về năng lực thực của mình.
Thầy hiệu trưởng có gặp các học sinh cũ và nói thầy rất buồn về chuyện nhân viên dưới quyền làm sai dẫn đến thầy bị mang tiếng. Đây mới chỉ là một trường hợp trong muôn ngàn con cháu các quan chức đang ngồi học. Không phải tất cả các cháu đều xấu nhưng do thói nịnh bợ, nể nang... dẫn đến những chuyện học hành, thi cử không nghiêm túc.
Việc gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và đại học trong bối cảnh việc học hành, thi cử còn chưa nghiêm túc như hiện nay có thể dẫn đến những hậu quả xấu khó lường và quan trọng nhất là làm mất đi động lực phấn đấu, mất đi niềm tin vào cuộc sống của các cháu. Đây là điều nguy hiểm nhất vì các cháu chính là những chủ nhân tương lai của đất nước.
Người gửi: Huyền Trang
Tôi là người dân Thái Bình. Theo tôi được biết, năm ngoái tỷ lệ học sinh trượt tốt nghiệp ở tỉnh tôi rất cao, còn năm nay, tỷ lệ này đã giảm 1/3 nhưng tôi không những không mừng mà còn vô cùng lo lắng.
Khi tôi về quê thăm gia đình, có nghe các cháu kể rằng nhiều giáo viên còn đưa tờ giấy nháp cho các bạn học sinh khá chép bài vào đó để chuyển cho các bạn học sinh kém. Nếu đánh giá như vậy thì chỉ lợi cho con em trong ngành và các quan chức của xã, huyện...
Vẫn còn biết bao em nhỏ kinh tế gia đình khó khăn đã vượt lên bản thân bằng kỳ thi vào đại học...