Học sinh lớp 12A2 trường THPT Tương Dương 2 (huyện Tương Dương, Nghệ An) vừa hoàn thành 4 đoạn phim được chuyển thể từ những tác phẩm văn học gồm Vợ Nhặt; Vợ chồng A Phủ; Chiếc thuyền ngoài xa và Chí Phèo.
Trước đó đầu năm học 2017-2018, với mong muốn truyền tải tác phẩm văn học một cách sống động tới học sinh, giáo viên dạy Văn trường THPT Tương Dương 2 đã đưa ý tưởng cho các em "hóa thân vào tác phẩm".
26 em trong lớp 12A2 chia làm bốn nhóm, mỗi nhóm chọn một tác phẩm để dựng thành phim với thời lượng 4-10 phút. Tất cả công đoạn viết kịch bản, âm thanh, lời bình, quay và dựng phim học sinh phải tự làm mà không được thuê. Sau gần một năm, bốn đoạn phim đã được hoàn thành...
Trích đoạn trong phim Vợ chồng A Phủ.
Trực tiếp hóa thân vào nhân vật trong tác phẩm Vợ Nhặt, Nguyễn Thị Huyền cho biết, nhóm có 7 người thì 6 người làm diễn viên, người còn lại quay phim. Tranh thủ những ngày cuối tuần, giờ không phải lên lớp, nhóm mất một tháng để hoàn thiện. Do vận dụng các cảnh quay tại địa phương và trang phục tự sắm nên kinh phí làm phim không đáng kể.
Với độ dài gần 5 phút, phim nhấn mạnh vào tình cảnh thê thảm của nông dân Việt Nam trong nạn đói năm 1945, phản ánh bản chất tốt đẹp và sức sống kỳ diệu của người dân. Ngay bên bờ vực cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, luôn khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu đùm bọc lẫn nhau.
"Cảnh quay khó nhất khiến nhóm phải thực hiện nhiều lần là lúc Thị được anh Tràng đãi một bữa ăn và Thị đã ăn một chập bốn bát bánh đúc. Và cảnh Tràng, Thị, bà cụ Tứ (mẹ Tràng) ăn chè khoán do bà cụ Tứ nấu. Cái khó không phải là bánh khó ăn mà là phải ăn thế nào cho đúng với tâm trạng của nhân vật trong tác phẩm", Huyền kể và bật mí món chè do các em tự nấu, còn bánh đúc thì khó làm nên phải dùng bún để thế vào.
Nhiều em là nhân vật khác trong các bộ phim tâm sự, rất hào hứng với cách học sống động này, có em đã khóc khi hóa thân vào nhân vật.
Thầy Nguyễn Quốc Phòng, người đưa ra ý tưởng kể, 12 năm đứng lớp thầy nhận thấy việc truyền tải nội dung tác phẩm bằng việc nói, học sinh ngồi nghe đã trở nên nhàm chán. Những đoạn phim học trò làm mang tính nghiệp dư bởi các em chỉ dùng điện thoại di động cá nhân để quay và dựng, song đã truyền tải được nội dung tác phẩm.
"Đây là một dạng đọc và tóm tắt tác phẩm. Các em đã biết lấy nội dung chính để chuyển tải thành những cảnh quay", thầy Phòng nói. Các tác phẩm được dựng thành phim chỉ là một phần nhỏ so với khối lượng chương trình phải học, nhưng đã mang lại nhiều hứng thú cho học sinh.
Những đoạn phim được thầy Phòng lưu lại để làm tài liệu tham khảo cho các em khóa sau...
Đoạn phim Vợ Nhặt.