"Costume Day" (Ngày hóa trang) của trường diễn ra sáng 24/5 với thông điệp "ngày cuối đi học, ngày đầu đi làm". Đây là lần đầu tiên, THPT chuyên Ngoại ngữ tổ chức hoạt động này.
Từ hai hôm trước, Hoàng Lê Gia Khánh, lớp 12A2, bắt đầu suy nghĩ về trang phục trong buổi học cuối. Ước mơ trở thành kỹ sư máy tính, song Khánh thấy công việc này không thực sự có trang phục đặc trưng. Vì vậy, em quyết định chọn áo và mũ bảo hộ, có dán phản quang - phụ kiện không thể thiếu của kỹ sư cầu đường.
"Em một phần vì muốn tạo điểm nhấn, một phần muốn thể hiện sự tôn trọng với nghề nghiệp của bố", Khánh nói.
Nam sinh cho hay trên đường đi học được nhiều người chú ý, nhưng khi tới trường, thấy các bạn mặc rất nổi bật, màu sắc, Khánh thấy hào hứng và tự tin hơn.
Lê Phương Linh, lớp 12A3, mượn đồng phục cảnh sát từ mẹ của một người bạn. Trở thành cảnh sát là ước mơ hồi nhỏ của Linh, song em không thực hiện được do bị cận nặng và hạn chế chiều cao.
"Dù bây giờ em xác định theo ngành Khoa học máy tính, em vẫn muốn chia sẻ với mọi người về ước mơ ngày bé của mình", Linh nói.
Ngoài chiếc áo măng tô dài màu be, Hạng Triệu Nhật Anh, lớp 12A4, còn mang theo quyển sổ cùng cây bút chì để "ra dáng" thám tử hơn. Điều này xuất phát từ niềm đam mê truyện trinh thám hồi nhỏ.
"Em cực kỳ vui vì thấy các bạn tham gia nhiệt tình với nhiều trang phục đẹp, ấn tượng", Nhật Anh bày tỏ.
Sự kiện đặc biệt khiến trường chuyên Ngoại ngữ trở nên náo nhiệt hơn ngày thường. Ngoài kỹ sư, công an và thám tử, học sinh còn mặc áo blouse trắng, đồng phục bảo vệ, shipper, hay trang phục "quần đùi áo số" của cầu thủ bóng đá...
Mượn đồng phục bảo vệ của bác, Trần Thúy Quỳnh, lớp 12E, cho biết muốn thể hiện sự tôn trọng với các bác bảo vệ - những người đã trông, dắt xe cho các em trong cả năm học. Nữ sinh nhìn nhận mỗi ngành nghề chân chính đều có ý nghĩa trong xã hội.
Các học sinh đều cảm thấy sự kiện ý nghĩa, là dịp để tìm hiểu về các ngành nghề mình yêu thích, tạo động lực để các em theo đuổi ước mơ.
Trịnh Khánh Linh, lớp 12A3, cho biết "Costume Day" là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện "Trạm ký ức", dành cho học sinh cuối cấp. Là trưởng ban tổ chức, Linh mong các bạn được thể hiện cá tính, mong muốn của bản thân trước khi ra trường.
Cô Đỗ Thị Ngọc Chi, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Ngoại ngữ, cho biết hướng nghiệp là nội dung quan trọng, nên trường cũng muốn học sinh nhận thức được vai trò và ý nghĩa của hoạt động này.
"Không chỉ nằm trong các tiết học, chúng tôi muốn đưa hướng nghiệp vào những thứ đời thường nhất", cô Ngọc Chi nói.
Trước đó, cô Chi cùng ban tổ chức đã nhắc nhở học sinh chọn trang phục phù hợp, thể hiện sự tôn trọng các ngành nghề.
"Thấy học sinh nhiệt tình tham gia với những bộ đồ độc đáo, đúng yêu cầu, tôi rất vui và bất ngờ", cô nói. "Ban giám hiệu có thể cân nhắc tiếp tục triển khai vào các năm tới".
THPT chuyên Ngoại ngữ là một trong bốn trường chuyên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội. Năm nay, trường tuyển 525 học sinh, nhận hơn 4.000 hồ sơ đăng ký.
Thanh Hằng