Phát biểu tại hội thảo Đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn trong trường phổ thông, TS Chu Văn Sơn (khoa Văn, ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ, do có dịp được đi khắp đất nước, được dự nhiều giờ giảng, nên cảm thấy rất lo ngại về tình trạng dạy và học văn hiện nay.
"Tôi bi quan nghĩ liệu tình trạng dạy văn có giống sử không? Có năm không thi môn sử, học sinh đã xé vở ôn thi rải trắng sân trường, giả định nếu không thi môn văn, có thể học sinh còn hò reo hơn thế", thầy Sơn chua xót nói.
TS Chu Văn Sơn: "Những giờ văn hiện nay đang thiếu chất văn". Ảnh: Hoàng Thùy. |
Theo ông, hiện nay chúng ta đang sống trong tình trạng dạy và học văn đầy nghịch lý. Chưa bao giờ người dạy văn Việt Nam được trang bị nhiều kiến thức, phương pháp, được sự hỗ trợ bởi những phương tiện tối tân, đặc biệt là những phương tiện gắn liền với công nghệ thông tin như bây giờ. Đáng ra với điều kiện đó, chất lượng học văn phải cao hơn, học trò yêu văn hơn. Nhưng nghịch lý là chưa bao giờ học sinh chán học văn như bây giờ.
"Nguyên nhân khách quan nằm ngoài nỗ lực của Bộ và những người dạy văn. Đó là do sự lên ngôi của công nghệ giải trí, kéo theo công nghệ nghe nhìn, làm văn hóa nghe nhìn chiếm ưu thế, văn hóa đọc bị suy giảm, dẫn tới học sinh không thích học văn", thầy Sơn phân tích.
Một nguyên nhân nữa xuất phát từ việc con người ngày nay dường như thực dụng hơn trước. Con cái định thi khối nào, trường gì, bố mẹ đều định hướng. Thực tế nhiều thầy cô dạy văn cũng không định hướng cho con thi vào Khoa văn bởi môn này không hứa hẹn gì về đời sống cao, công việc tốt. Trước thực trạng đó, Bộ Giáo dục có nỗ lực bao nhiêu thì cũng không cải thiện được.
Một thực tế đáng buồn là học sinh không phải chán văn nói chung mà chỉ chán văn trong nhà trường. Ở bên ngoài, các em vẫn thích mua tạp chí, ấn phẩm liên quan đến văn. Thực trạng này nhà trường phải chịu trách nhiệm chính.
Với kinh nghiệm hàng chục năm gắn với nghề dạy văn, thầy Sơn kiến nghị 6 giải pháp để thay đổi tình trạng nêu trên. Trước hết là cần thay đổi triết lý bộ môn. Hiện nay, khi xem văn là khoa học xã hội thì giáo viên chỉ tập trung nhồi kiến thức chứ không rèn giũa năng lực cho học sinh. Việc này cần điều chỉnh bằng cách xem văn là môn công cụ có tính nhân văn với mục tiêu chính là bồi đắp lòng nhân ái cho con người.
Muốn có được điều đó, chương trình phải là sản phẩm được xây dựng trực tiếp dựa trên triết lý bộ môn đúng đắn. Sách giáo khoa cần được biên soạn ưu việt hơn, loại bỏ những tiêu chí ngoài văn.
Điều quan trọng nhất là giáo viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy bởi học sinh chán văn là do phương pháp của thầy cô còn lổn nhổn, chưa truyền được lửa cho các em.
Cách kiểm tra đánh giá của giáo viên cũng chưa ổn bởi cách hiểu về năng lực chưa đúng, thậm chí còn hiểu nhầm giữa kỹ năng và năng lực. Kỹ năng là kỹ thuật, quy trình, còn năng lực thuộc về tố chất, kỹ năng là phương tiện để phát triển năng lực, nhưng kỹ năng không phải là năng lực.
TS Sơn thẳng thắn thừa nhận việc học sinh chán văn một phần cũng do tâm của người dạy văn đã sa sút so với trước. Số giáo viên tâm đắc với nghề ngày càng ít, thay vào đó là những người đứng lớp với những lý do khác nhau khiến những giờ văn thiếu chất văn.
"Trong lòng thầy cô không có lửa thì làm sao giờ văn có lửa, làm sao học sinh yêu văn?", thầy Chu Sơn đặt câu hỏi.
Hoàng Thùy