Cả tháng nay, cậu học sinh lớp 10 tên Tiến của Trường THPT Cà Mau đã phải từ giã màu áo trắng để về ruộng nuôi tôm. "Vì mới ra thành phố đi học, em cũng ham chơi nên hỏi “vay đứng” của bạn 500 ngàn đồng, mỗi ngày phải trả lãi 10 ngàn đồng, chậm 3 ngày thì bị hăm đánh. Không còn tâm trí nào để học bài, em nói thật với cha mẹ cho xin 2 triệu đồng trả nợ rồi nghỉ học luôn!", Tiến tâm sự.
Học trên Tiến một lớp, Cường cũng ở hoàn cảnh tương tự khi lỡ vay "nóng" của người bạn trong trường. Các vật dụng mang từ quê lên đi học lần lượt phải đem gá nhưng mãi vẫn không trả được nợ. “Ở trường em có hàng trăm bạn vay tiền. Các bạn cho vay có ghi chép nợ, rồi giao tiền lời cho ông chủ đợi ngoài quán cà phê. Họ dữ dằn lắm. Nếu trả chậm, tụi em bị đón đường đánh liền!", Cường nói vẻ hoảng sợ.
Còn cha của Cường thì buồn rầu cho biết: "Tôi chạy xe ôm nuôi cả đám con nhưng ưu tiên cho Cường học hành, mong ngày nhờ đỡ, không ngờ lại ra nông nổi... Tôi phải chuyển cháu về Trường THPT Phú Hưng (huyện Cái Nước) để học. Mới đây, có 2 học sinh còn mặc đồng phục thể dục của Trường THPT Cà Mau đến nhà đòi nợ. Tôi phải trả đủ 2,8 triệu mới yên thân".
Cũng theo bố của Cường, những học sinh đến đòi nợ cho biết chỉ cho vay giùm ông chủ. Nếu không thu đúng, thu đủ thì "các cháu cũng bị xử".
Không chỉ ở Trường THPT Cà Mau, nhiều học sinh ở các trường khác trên địa bàn tỉnh cũng vướng vào chuyện cho vay nặng lãi.
Trường THPT Hồ Thị Kỷ là một trong những nơi nạn tín dụng đen hoành hành. Ảnh: N.H. |
Cô Vân, giáo viên Trường THPT Hồ Thị Kỷ, mấy đêm nay không ngủ được đứa cháu gái mồ côi vừa phải nghỉ học, bỏ về Bắc vì "lỡ" vay "nóng" tiền của bạn. "Con bé khóc suốt ngày vì sợ cô bạn học cho người đến sát hại hoặc chặn đường đánh. Nó đưa ra tờ giấy nhận nợ, cam kết trả nợ, có điểm chỉ tay, vay 1,6 triệu đồng nhưng đòi tôi phải trả đủ 2,8 triệu đồng bao gồm cả lãi, sau gần 2 tháng vay", cô giáo Vân tâm sự.
Ông Trần Hồng Châu, Hiệu trưởng Trường THPT Cà Mau cho biết: "Thời gian gần đây, có rất nhiều học sinh bỏ học, bị người ngoài hành hung hoặc đánh nhau trong trường. Khi xử lý học sinh, chúng tôi biết gần như việc xảy ra đều có liên quan đến việc học sinh vay tiền nặng lãi".
Cũng theo ông Châu, trường có khoảng vài trăm học sinh vướng nợ, phải bỏ trường hoặc học hành giảm sút. Từ đầu năm học đến nay, có gần 250 học sinh chuyển trường hoặc nghỉ học không có lý do… "Chúng tôi tìm mọi cách hỗ trợ cho học sinh gặp khó khăn, cố gắng bảo vệ các em khi đến trường", ông Châu nói.
Vị hiệu trưởng này cũng cho hay, bước đầu, trường đã xác định được một số em chuyên đi thu tiền lãi. Có trường hợp, học sinh đó ban đầu là nạn nhân, sau đó trở thành kẻ tiếp tay để giải quyết nợ.
Còn theo Thượng tá Trần Đức Nghị, Phó phòng An ninh Văn hóa, Công an Cà Mau, thông tin về các học sinh liên quan đến việc vay và cho vay lãi nặng đã được nhiều trường trong tỉnh trình báo. "Chúng tôi đang mở rộng điều tra, xử lý, nhưng trước mắt, các trường cần có các biện pháp quản lý tốt hơn để giữ học sinh của mình", ông Nghị nói .
Nguyễn Hưng
* Tên một số nhân vật đã thay đổi