V. kể, sáng sớm 25/8, em và bạn thân ở cạnh nhà cùng chạy bộ xuống biển để xin đá bóng với các anh lớn hơn rồi tắm biển như thường lệ. Khi chạy đến công viên Võ Văn Ký, trước ga Nha Trang, các em vào công viên tạm nghỉ. Bất ngờ một tốp thanh niên mặc đồ đồng phục đi đến đuổi bắt, các em hoảng sợ bỏ chạy. Sau đó, cả hai bị đưa lên xe chở về giữ tại trụ sở UBND phường Phương Sài.
Lúc cán bộ của phường Phương Sài và Trung tâm Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB&XH Khánh Hoà) hỏi han để lập hồ sơ đưa vào trung tâm và tạm giữ, cả hai đều khai là học sinh chứ không phải lang thang. Hai em cùng đưa địa chỉ của gia đình tại thôn Vĩnh Điềm, phường Ngọc Hiệp, nói cả số điện thoại để liên hệ, đồng thời xin thả cho về để kịp tập trung theo quy định của trường vào ngày 26/8, nhưng không được chấp nhận. V. và Th. lại xin được gọi điện báo cho cha mẹ, song đã bị từ chối. Đến khoảng 8h sáng cùng ngày, sau khi hoàn thành thủ tục tạm giữ người để đưa vào trung tâm, 20 người trong đó có V. và Th. bị đưa lên xe bịt bùng để chuyển giao cho Trung tâm bảo trợ xã hội Khánh Hòa.
Gia đình các em rất hoảng sợ. Ngoài việc báo cho công an phường Ngọc Hiệp, họ chia nhau chạy khắp nơi, đến nhà ga, bến xe, về quê và cho cả người xuống dọc bờ biển để tìm kiếm, canh chừng xem có thấy xác nổi lên không. Họ còn đến Đài truyền hình Khánh Hòa để làm thủ tục nhờ thông báo tìm kiếm con em. Đến trưa 27/8, các em đã lén ghi địa chỉ, số điện thoại và gửi một người đạp xích lô nhờ chuyển cho thân nhân. Đến lúc đó gia đình mới biết nơi con em mình bị giam giữ. Sau khi làm đủ các thủ tục theo yêu cầu của Trung tâm bảo trợ xã hội, có xác nhận của công an phường, của ban giám hiệu nhà trường, đến 14h chiều 27/8, hai em mới được cho về.
Nhóm người trực tiếp tham gia bắt giữ, lập hồ sơ đưa hai em vào trung tâm cho biết, việc thu gom là thực hiện theo chỉ thị của UBND tỉnh Khánh Hòa, đặc biệt là phải làm trong tháng du lịch "Tháng Tám - Nha Trang - điểm hẹn". Họ thừa nhận, cho đến nay chưa có văn bản nào, kể cả chỉ thị của tỉnh có quy định cụ thể để xác định tiêu chí nào là đối tượng lang thang.
Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Phạm Thị Hòa cho hay, sau khi tiếp nhận đối tượng lang thang do các địa phương đưa đến, đơn vị này sẽ thẩm tra, sàng lọc để phân loại, đề nghị biện pháp xử lý... "Song nhiều lúc số đối tượng đông mà ở trung tâm thì chỉ có một cán bộ làm công việc đó nên nhiều khi cũng bị chậm. Tuy nhiên, theo chỉ thị của tỉnh thì trung tâm được quyền tạm giữ đối tượng 10-15 ngày", bà Hòa nói.
Chiều 5/9, trong buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân số gia đình và trẻ em Lê Thị Thu, khẳng định sẽ không có chuyện tập trung người lang thang tràn lan. Hiện số trẻ lang thang ở TP HCM rất lớn, lên tới 8.000. Hoàn cảnh các em rất phức tạp, không chỉ là trẻ lang thang mà còn có cả gia đình đi theo. Do đó, tuỳ hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của trẻ để có biện pháp xử lý thích hợp chứ không thể xử lý hành chính cứng nhắc. Theo bà Thu, để giải quyết vấn đề cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành trung ương với địa phương, giữa các địa phương với nhau. Cụ thể như giúp gia đình các cháu xoá đói giảm nghèo; giải quyết việc làm; vận động các cháu đến trường; hỗ trợ học bổng, khuyến khích các cháu đi học. "Tôi khẳng định không phải vì SEA Games chúng ta mới làm việc này mà giải quyết vì quyền lợi của các em", bà nói. |
(Theo Tuổi Trẻ)