4h30 chiều thứ năm ngày đầu tháng 10, Lan (học lớp 6 một trường THCS ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) mở cửa chạy xộc vào nhà. Chẳng kịp chào hỏi ai, vứt chiếc cặp lên ghế sofa ngoài phòng khách, cô bé chạy thẳng tới nhà vệ sinh và ngồi trong đó gần 10 phút.
"Con nhịn cả chiều rồi", Lan vừa rửa tay, vừa nói vọng ra. Ngồi nhặt rau ở khu nhà bếp, chị Linh, mẹ của Lan không ngạc nhiên trước hành động của con bởi nó quá đỗi quen thuộc, "một tháng cũng dăm bảy lần".
Bớt uống nước để đỡ phải vào nhà vệ sinh
Lan chia sẻ thường xuyên nhịn đi vệ sinh vì không đủ kiên nhẫn đứng chờ và đôi khi vì sợ. Dãy nhà em học có ba tầng, tầng nào cũng có nhà vệ sinh cho nam và nữ. Nhà vệ sinh nữ có ba toilet và một buồng tắm rộng, trong đó buồng tắm chỉ để phục vụ học sinh thay quần áo, rửa chân tay sau giờ thể dục hay giờ ra chơi, còn ba toilet được dùng để đi tiểu hoặc đại tiện.
Chỉ có ba toilet nhưng một tầng có tới 5-6 lớp, mỗi lớp xấp xỉ 60 học sinh khiến nhà vệ sinh vào giờ cao điểm như buổi trưa luôn đông đúc, bốc mùi hôi. Ngày nào Lan cùng các bạn bán trú tại trường đều phải xếp hàng dài chờ đợi. Nhiều lúc quá nản và thấy mùi nồng nặc, các em lại bỏ về lớp chờ tới giờ chiều.
"Nhiều lúc nhà vệ sinh vắng người thì em không có nhu cầu, lúc đông không đi được thì đành nhịn. Để đỡ phải vào toilet, em ít uống nước và ăn ít canh", Lan nói và kể có hôm trái dạ đành ôm bụng đợi về nhà còn hơn phải ở lâu trong nhà vệ sinh nặng mùi, bức bí vì không có quạt thông gió.
Không chỉ sợ mùi và ngại chờ đợi, cô bé sinh năm 2007 còn tỏ ra không hài lòng khi những biển hiệu nhắc nhở giữ gìn vệ sinh treo trên cửa chi chít vết son do học sinh bôi lên cùng những vết ố bẩn loang lổ trên tường. Nhà trường phải khắc phục bằng cách ốp tạm tấm nhựa lên.
Hai con trai của chị Đặng Thị Thu Nguyệt (ngụ huyện Hóc Môn, TP HCM) cũng ám ảnh với nhà vệ sinh trường học. "Nhiều hôm đón tụi nó, chúng cứ giục mẹ chạy nhanh, vừa vào nhà vứt vội cặp là chạy ngay vào nhà vệ sinh vì ở trường phải... nhịn", người mẹ kể.
Theo con trai lớn học lớp 8 tên Đức, mỗi giờ nghỉ giải lao, nhà vệ sinh của trường nườm nượp học sinh, bồn tiểu ít nên phải xếp hàng chờ nhau. "Sợ nhất là đầu giờ chiều, trời nóng nên mùi khai bốc lên khó chịu. Ở trường em hạn chế uống nước để không mắc tiểu khi học", Đức kể.
Bồn cầu còn "đáng sợ" hơn. Có hôm vì đau bụng, Đức phải vào đây nhưng không tìm được phòng nào có bồn sạch sẽ. "Cái nào bệ ngồi cũng bẩn lem nhem, ướt át, có bệ thì nhem nhuốc dấu chân ai đó ngồi lên. Em không chịu được nữa nên cũng ngồi lên bồn", Đức thổ lộ và than thở sau khi "giải quyết" thì không có xà bông hay nước rửa tay. Từ đó em sợ nên cố gắng đi vệ sinh ở nhà xong rồi mới đến trường.
Giống anh trai, em út Hùng học lớp 3 hễ vào nhà vệ sinh ở trường là có cảm giác rợn người vì bẩn. Hùng sợ nhất sọt rác vì luôn đầy ắp giấy cuộn bốc mùi hôi. "Nhiều lần em muốn đi ở trường thì không tìm thấy giấy đâu, nhà vệ sinh còn nhiều lần hết nước rửa tay, không có khăn lau. Chỗ bồn tiểu bị hư nút xả nước, bạn này xài xong thì tới bạn khác, chẳng ai chịu dội nên khai lắm", em kể.
Nhà vệ sinh quá tải, hư hỏng
Có sĩ số ít hơn, chỉ khoảng 35 em/lớp, học sinh của một trường THCS ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đánh giá nhà vệ sinh của trường khá sạch sẽ và ít mùi. Tuy nhiên, các em vẫn thường xuyên phải xếp hàng do toilet hỏng.
"Trường có ba dãy nhà ba tầng, mỗi tầng có hai phòng vệ sinh, một dành cho nam và một dành cho nữ. Như ở tầng ba dãy nhà em học, nhà vệ sinh nữ có ba buồng toilet thì tới hai buồng hỏng. Chỉ một cái có thể dùng, các bạn phải xếp hàng khá lâu đợi đến lượt", một học sinh lớp 7 chia sẻ.
Ông Tuyên, Hội trưởng phụ huynh lớp 8 một trường THCS ở quận 12, TP HCM, kể trường có hơn 1.000 học sinh nhưng số lượng nhà vệ sinh ít, mỗi tầng có hai khu cho nam và nữ. Ông vào thử một khu nhà vệ sinh cho nam thì thấy có hai phòng đại tiện, bên ngoài là bồn tiểu chung, tất cả đều bẩn. Sàn nhà ẩm thấp, bốc mùi. Các bồn tiểu cáu bẩn, ống dẫn nước mốc, cần gạt nước bị gỉ.
Đưa vấn đề này trong cuộc họp phụ huynh và đề nghị trường đầu tư nâng cấp nhà vệ sinh thì ông Tuyên nhận được câu trả lời thiếu kinh phí. Lao công có 2 người nên mỗi ngày chỉ dọn dẹp, lau chùi trước và sau buổi học mà không hết việc.
"Tôi hỏi nhiều cha mẹ khác thì biết do khu vệ sinh xuống cấp, lúc nào cũng có mùi nên các cháu vào đây rồi vội ra, nhiều em chẳng kịp dội nước hoặc có khi vòi nước hư. Cứ như vậy nhà vệ sinh dơ càng dơ thêm, cực chẳng đã thì các cháu mới vào chứ không coi đó là nhu cầu bình thường nữa", ông nói.
Khảo sát tại một số trường tiểu học ở nội thành quận 5, 10, Bình Thạnh, nhiều học sinh quả quyết nhà vệ sinh ở trường lúc nào cũng có mùi khó chịu. Nhiều bé "khó tính" nhất quyết không chịu sử dụng nhà vệ sinh ở trường bởi đã quen sự sạch sẽ ở nhà.
Trước đó, trong một lần khảo sát cơ sở vật chất trường học tại TP HCM, một đại biểu HĐND thành phố đã cảnh báo tình trạng nhà vệ sinh có dấu hiệu xuống cấp, Đại biểu đề nghị ngành giáo dục cần chú trọng cải tạo hạng mục này bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của học sinh.
Đầu năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM yêu cầu các Phòng giáo dục quận huyện rà soát, thu thập thông tin về nhà vệ sinh tại trường học. Các quận huyện sẽ đánh giá chất lượng hệ thống nhà vệ sinh trên địa bàn, thống kê những nhà vệ sinh chưa đạt chuẩn để lên kế hoạch sửa chữa. Mục tiêu của thành phố là năm học này, 100% nhà vệ sinh trong trường học đạt chuẩn.
Theo quyết số 1221 của Bộ Y tế ban hành năm 2000 về vệ sinh trường học, nhà tiêu, hố tiểu ở trường học phải đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Ở những nơi có điều kiện (thành phố, thị xã, thị trấn...) xây dựng nhà tiêu tự hoại hoặc bán tự hoại, có vòi nước rửa tay. Ở các vùng khó khăn tốt nhất là sử dụng nhà tiêu hai ngăn hợp vệ sinh. Riêng vùng sâu có thể dùng nhà tiêu khô cải tiến.
2. Số lượng hố tiêu bình quân từ 100 đến 200 học sinh trong mỗi ca học có một hố tiêu (nam riêng, nữ riêng, giáo viên riêng, học sinh riêng).
3. Hố tiểu bình quân trong mỗi ca học đảm bảo 50 học sinh có một mét chiều dài hố tiểu.
Điều 25 quy định về nhà tiêu, hố tiểu ở khu nội trú, bán trú như sau:
1. Loại nhà tiêu: Tự hoại hoặc bán tự hoại, số lượng đảm bảo bình quân 25 học sinh có một nhà tiêu.
2. Số lượng hố tiểu đảm bảo bình quân 25 học sinh có một hố tiểu.
3. Khu vệ sinh dành cho nam riêng và nữ riêng. Ở vùng nông thôn, khu vực vệ sinh được bố trí phía Tây Bắc khu nội trú của học sinh.