(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Tiến sĩ Đỗ Thành Sen, Trưởng phòng nghiên cứu và mô hình toán Trung tâm mô phỏng Hàng hải SIMWAVE, Maritime Centres of Excellence, (Rotterdam, Hà Lan) chia sẻ bài viết về xã hội hóa đào tạo trực tuyến:
Dịch Covid-19 đang lan rộng và trở thành đại dịch của thế giới. Ở nhiều nước phát triển, khi chính phủ vừa có lệnh đóng cửa trường học, hệ thống đào tạo trực tuyến đã ngay lập tức được kích hoạt.
Thay vì đến trường, học sinh có thể ở nhà và học trực tuyến trên các ứng dụng đào tạo thông qua internet và máy tính bảng hay máy tính cá nhân. Các thầy cô giáo cũng ngồi ở nhà và giảng bài, điểm danh, tương tác, thảo luận, kiểm tra, đánh giá học sinh thông qua ứng dụng đào tạo và các ứng dụng liên kết xã hội khác như Facbook, Viber, WhatsApp...
Tại Hà Lan, chính phủ tuyên bố đóng của trường học vào ngày 16/3, chỉ sau một hôm, hệ thống đào tạo trực tuyến cho tiểu học và trung học đã được triển khai ngay lập tức và lấp đầy thời khóa biểu như thường lệ, lịch nghỉ hè vẫn được bảo đảm theo kế hoạch. Ngoài nỗi giờ giảng chính thức học sinh còn có điều kiện để tương tác, thuyết trình trực tuyến, làm bài tập online, làm các bài tập và dự án từ xa. Hệ thống điểm danh trên ứng dụng và tương tác giữa các học sinh và thầy cô với học sinh đã giúp học sinh có ý thức tự giác học tập và lên lớp đúng giờ. Sau một tuần áp dụng, nhiều học sinh tỏ ra có vẻ thích thú và thích ứng với phương thức học tập mới.
Ở Việt Nam đã hơn hai tháng trôi qua từ khi học sinh phải nghỉ học để phòng chống dịch, sau nhiều lần trì hoãn, vẫn chưa thể xác định thời gian mở cửa lại trường học.
Trong tình hình dịch bệnh càng ngày càng trở nên phức tạp, không biết khi nào sẽ hết dịch và cũng không biết khả năng bùng phát lại của dịch bệnh như thế nào thì việc đào tạo trực tuyến trở nên cấp thiết. Bởi lẽ nếu để lâu, không những một thế hệ học sinh của chúng ta đang mất kiến thức mà một lượng lớn con em của chúng ta có thể trở thành những nạn nhân bất đắc dĩ của game và phim ảnh. Tác hại quả thực là không nhỏ và nó như một con virus len lỏi vào từng gia đình và gây tác hại và tổn thất cho xã hội.
Nếu cả nước có thể chung sức phòng chống đại dịch được thì việc chung tay thiết lập một hệ thống đào tạo trực tuyến đáp ứng tình hình thực tiễn cũng có thể làm được. Đây không phải là nhiệm vụ mà là một cơ hội để Việt Nam có thể áp dụng công nghệ và xu thế mới vào thực tiễn.
Khi đề cập đến điều này, có hàng loại những câu hỏi được đặt ra: Điều kiện kỹ thuật đáp ứng? Năng lực quản lý của hệ thống đào tạo? Năng lực giảng dạy của giáo viên? Điều kiện và nhận thức của khác biệt của vùng miền, cá nhân? Tính đồng bộ trong đào tạo? Làm nào để đáp ứng chuẩn đào tạo? Cách làm ra sao?
Câu trả lời chính là ở tuy duy của chính chúng ta. Nếu chúng ta nghĩ tích cực thì sẽ có kết quả tích cực, nếu chúng ta dám nghĩ thì chúng ta mới có giải pháp. Đại dịch hiện tại là cái khó, nhưng "trong cái khó, lại ló cái khôn". Phân tích ra thì rất dài, tuy nhiên có thể rút lại những điểm mấu chốt như sau:
Về điều kiện, chúng ta không nên đợi có đầy đủ điều kiện mới thực hiện. Vì như vậy chúng ta sẽ bị chậm một bước và có thể không bao giờ làm được và sẽ bị tụt hậu. Hãy vận dụng những tài nguyên sẵn có bao gồm nhân lực và vật lực để đưa vào vận hành và sau đó từng bước điều chỉnh, nâng cấp và hoàn thiện.
Trong điều kiện có sự khác biệt điều kiện kinh tế kỹ thuật của từng vùng miền, từng cơ sở, việc không đồng bộ là có thể chấp nhận được theo quan điểm "thà làm được điều gì đó còn hơn không làm gì cả". Hãy áp dụng với nhiều cách thức khác nhau phù hợp với từng địa phương để kích hoạt hệ thống đào tạo trực tuyến, sau đó từng bước điều chỉnh, cân bằng, rồi tiêu chuẩn hóa.
Về cách thực hiện, chúng ta cần phải khởi động một chương trình đào tạo khẩn cấp giống nhưng cuộc chiến chống virus Corona hiện nay. Trước tiên, phải áp dụng ngay các ứng dụng đào tạo trực tuyến hiện có để đưa vào đào tạo. Hiện tại, nhiều trường học tại Việt Nam áp dụng một số ứng dụng vào đào tạo tại cơ sở nên việc trao đổi kinh nghiệm và triển khai là khả thi. Tuy nhiên, nên chọn lựa ứng dụng phù hợp với từng cấp độ, ngành nghề đào tạo.
Kết hợp các phương tiện truyền thống: Đối với các khu vực chưa phủ mạng hoặc chưa có điều kiện trang bị máy tính, có thể đào tạo thông qua các kênh truyền hình, hoặc các video soạn sẵn.
Tận dụng các thiết bị công nghệ sẵn có: Trong các thiết bị công nghệ hiện nay, phổ biến nhất vẫn là điện thoại smart phone. Mỗi chiếc smart phone tuy nhỏ nhưng chính là một trạm thu phát hữu hiệu nhất. Có thể kết nối điện thoại với thiết bị TV để mở rộng màn hình. Các thành viên trong gia đình có thể chia sẻ thiết bị, tài nguyên để giúp nhau học tập.
Sự hỗ trợ chia sẻ của xã hội: Các nhà cung cấp mạng, điện thoại nên có hỗ trợ các gói cước internet, điện thoại cho các đối tượng khó khăn và học sinh, phục vụ công tác đào tạo. Các công ty sản xuất điện thoại máy tính nên hỗ trợ và cung cấp các thiết bị phục vụ chương trình.
Trách nhiệm của thầy cô: Mỗi thầy cô phải là một người chiến sĩ chiến đấu vì cho học sinh cũng như các bác sĩ đang chiến đấu để cứu bệnh nhân: Các thầy cô nên được tập huấn để triển khai nhanh chương trình đào tạo trực tuyến. Ngoài việc áp dụng công nghệ giảng dạy, các thầy cô cũng có thể mở những tài khoản Facebook, email để trao đổi, tương tác và kiểm tra và giá học sinh. Điều này hiện tại không cho thấy sự tiêu chuẩn, nhưng dần dần sẽ trở thành một phương thức đào tạo năng động và hiệu quả. Đối với những vùng chưa phổ biến, các thầy cô có thể gọi điện thoại để đôn đốc, kiểm tra học sinh. Việc giao bài và làm bài tập ở nhà sau đó chuyển lên cho thầy cô sửa bài, đánh giá cũng là một giải pháp hữu hiệu.
Trách nhiệm của nhà trường và các tổ chức giáo dục: Nên khẩn trương thành lập nhóm triển khai dự án để phát triển giáo trình điện tử trực tuyến, công cụ kiểm tra, đánh giá nhằm nhanh chóng triển khai và từng bước cải thiện nâng cấp chất lượng đào tạo.
Có thể nói đây là biện pháp tận dụng nguồn lực, vật lực sẵn có, tại chỗ để triển khai đào tạo trực tuyến, không tốn nhiều chi phí đầu tư đáp ứng như cầu cấp bách hiện nay của cả ngành giáo dục. Sau này, khi đại dịch đã đi qua, học sinh lại đến trường bình thường thì trừ các giờ học truyền thống như bài giảng, kiểm tra trên lớp, phương pháp tương tác, làm bài tập, đánh giá kiểm tra trực tuyến vẫn có thể kế thừa và phát triển theo xu thế giáo dục hiện đại. Khi đó, bài giảng trên lớp sẽ giảm đi, thay vào đó là những giờ tự học, trao đổi nhóm, thuyết trình, nghiên cứu và thực tập thực tế với sự giám sát của thầy cô và nhà trường thông qua ứng dụng và thiết bị trực tuyến.
Phải làm và làm ngay thì mới biết lỗ hổng để cải tiến, mới biết sai để sửa. Khi tất cả đã đồng tình và dám nghĩ, dám làm với sự chỉ đạo của chính phủ thì chắc chắn chúng ta sẽ làm được.
Là một nước nằm trong nhóm đầu về nhân lực IT thế giới, có tinh thần hy sinh, cần cù và sáng tạo thì không có gì mà chúng ta không thể làm được khi đã đồng lòng và quyết tâm. Hãy làm và làm ngay nếu không có thể chúng ta sẽ có một thế hệ bị thụt lùi trong khi mà đại địch vẫn chưa có dấu hiệu dừng bước.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Đỗ Thành Sen