Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, quận Nam Từ Liêm có nhiều trường tư nhất - 12, kế đó là Hà Đông với 10 trường, Cầu Giấy 8, Bắc Từ Liêm 7. Đây đều là những quận đông dân của thành phố.
Về chỉ tiêu, 95 trường tư thục tuyển 27.000 học sinh. Trong đó, 63 trường ở khu vực nội thành tuyển 18.200. Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm - Cầu Giấy tuyển 675 em - nhiều nhất, Vinschool ở quận Hai Bà Trưng tuyển 600, còn lại đa số tuyển 200-300.
32 trường tư còn lại tuyển gần 9.000 học sinh, phân bổ ở 18 huyện, thị ngoại thành, chủ yếu là Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh. Một số địa bàn không có trường tư là Mỹ Đức, Sơn Tây, Thường Tín, Mê Linh, Phúc Thọ.
Cả 95 trường tư đều tuyển học sinh lớp 10 bằng cách xét học bạ, hơn 30 trường xét thêm điểm thi lớp 10 của Sở.
Thông tin tuyển sinh, học phí của các trường tư thục ở Hà Nội cụ thể như sau:
Học phí các trường từ vài triệu trăm tới vài chục triệu đồng một tháng, tùy lớp, cấp học hay chương trình đào tạo. Trong đó, một số chương trình quốc tế tại trường Phổ thông liên cấp Olympia, quận Nam Từ Liêm, có học phí cao nhất - khoảng 96 triệu đồng một tháng. Kế đến là học phí trường Song ngữ quốc tế Horizon, Sentia, TH School Hòa Lạc, Quốc tế Nhật Bản với mức 40-64 triệu đồng mỗi tháng.
Các trường còn lại phần lớn thu học phí 1-3 triệu đồng một tháng. Mức thu này chưa gồm các khoản phụ phí, ăn trưa, xe đưa đón.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương hôm 5/7 cho biết thủ đô hiện có 2.845 trường học ở 30 quận, huyện, thị xã, trong đó 79% là trường công lập. Trước hiện tượng một số phụ huynh xếp hàng xuyên đêm mua hồ sơ lớp 10 cho con ở trường THPT Phan Huy Chú, Tạ Quang Bửu, Hoàng Cầu, ông nhận định việc này do các trường được phụ huynh tin tưởng, còn Hà Nội "không thiếu chỗ học". Lãnh đạo thành phố đang rất quyết liệt trong chỉ đạo xây dựng thêm trường để đáp ứng nhu cầu của người dân.
"Mỗi năm sẽ tăng 30-35 trường học mới, đủ chỗ cho các cháu học tập trong giai đoạn hiện nay", ông Cương cho biết.
Thanh Hằng - Thảo Ngân