Như chúng ta đều biết, sự xuống cấp một cách tệ hại của chất lượng dạy và học bộ môn Sử hiện nay đang là một vấn đề đau đầu đối với những ai có quan tâm đến môn Sử.
Vừa qua, hiện tượng một số học sinh xé đề cương môn Sử ở một trường cấp 3 khi không phải thi tốt nghiệp là một điều đáng buồn. Đó cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà làm giáo dục hiện nay.
Tôi là một người luôn yêu mến và gắn bó với môn Sử, và đã thử đi tìm nguyên nhân tại sao lại có những hiện tượng đáng buồn như trên:
Thứ nhất là do sách giáo khoa có khối lượng kiến thức đã quá tải đối với giáo viên và học sinh. Giáo viên thì chạy đua với thời gian phân bố cho từng bài, còn học sinh thì chạy theo thầy trong từng tiết học.
Thứ hai là về phía lãnh đạo ngành giáo dục, từ lâu do có thói quen xem sử là môn phụ, vì thế không dành cho nó một thời gian “ưu ái” như các bộ môn khoa học tự nhiên. Các môn này được xếp giờ nhiều, được dạy tăng tiết, chưa kể được dạy thêm ở nhà.
Thứ ba là về phía học sinh. Từ chỗ bài Sử quá dài, phải nhớ nhiều sự kiện, nhiều ngày, tháng, năm … thêm vào đó cách truyền đạt không sinh động, thiếu nhiệt tình của giáo viên cũng góp phần không nhỏ dẫn tới chỗ học sinh chán học môn Sử.
Thứ tư là sự thực dụng của phụ huynh và học sinh hiện nay. Các em thường nói “học Sử để làm gì?”, “biết Sử để làm gì?”. Đó cũng là nguyên nhân sâu xa dẫn tới việc xem nhẹ môn Sử.
Thứ năm là “ban C” hiện nay gần như là đang bị “tiệt chủng” ở các trường phổ thông. Đa số các em đều chọn ban khoa học tự nhiên, nên đối với môn Sử các em học để đối phó.
Học sinh luôn đợi đến cuối tháng ba khi Bộ Giáo dục công bố thi tốt nghiệp có môn sử thì các em mới thật sự tập trung vào học.
Học chán ngắt, học như vẹt, học với tâm trạng đầy áp lực. Trong thực tế có nhiều giáo viên bắt học sinh học thuộc lòng không thiếu một chữ nào. Hệ quả từ đó ai cũng sợ môn Sử.
Nên nếu không thi môn Sử là sướng rồi, như vừa trải qua một cơn ác mộng. Điều đó là hậu quả của việc học để thi chứ không phải học để biết.
>> Xem tiếp: Phải làm gì để học sinh thích Sử?
>> Xem thêm: 'Xé đề cương Sử vì không muốn học thuộc lòng'
Nguyễn Văn Mười
(tổ trưởng tổ Sử, THPT Lưu Văn Liệt, Vĩnh Long)
Chia sẻ bài viết về giáo dục tại đây