Chiều 24/5, sân trường THCS và THPT Lômônôxốp (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đông nghịt học sinh dù vừa ngớt trận mưa tầm tã kéo dài từ sáng. Tất cả hướng mắt lên sân khấu theo dõi chương trình "Âm vang Điện Biên Phủ" - dự án liên môn Lịch sử - Địa lý - Tiếng Anh - STEM - Âm nhạc - Mỹ thuật do giáo viên và học sinh thực hiện.
Thay cho các bài phát biểu hay lễ khen thưởng, 120 học sinh tham gia tái hiện một phần chiến dịch Điện Biên Phủ hơn 68 năm về trước.
Mở đầu chương trình, một nhóm học sinh múa - độc tấu sáo ca khúc "Tình ca Tây Bắc". Trong tiếng nhạc, hai em giới thiệu về mảnh đất Điện Biên. Âm nhạc chuyển liên tục trong lời dẫn tóm lược về 56 ngày đêm lịch sử của chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều phân cảnh được tái hiện như quân Pháp nhảy dù, xây lô cốt; bộ đội Việt Nam phá đá mở đường, vận chuyển lương thực. Một số nhân vật lịch sử được nhắc đến như đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh hùng Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót.
Tất cả nhằm tái hiện "Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt. Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn!" để tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Là một trong những học sinh trực tiếp biểu diễn, Nguyễn Hà My, lớp 8, cho biết em có ba tuần đáng nhớ khi tham gia tập luyện cho dự án. Từng học về chiến dịch Điện Biên Phủ trong các giờ giảng nhưng My khẳng định đây mới là cách nhẹ nhàng, giúp em nhớ kiến thức sâu hơn.
"Có những chi tiết khá khó nhớ nếu chỉ học thuộc từ sách giáo khoa. Nhưng khi tham gia chương trình, được xem hình ảnh tái hiện các chi tiết đó hàng ngày, em sẽ không bao giờ quên", My chia sẻ.
Ngoài kiến thức Lịch sử, Địa lý, My học được thêm nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, giao lưu kết bạn, chia sẻ với mọi người xung quanh và hiểu sâu sắc hơn về tinh thần đoàn kết, vượt qua khó khăn khi tập luyện.
Cô Nguyễn Thị Nhung, Hiệu phó trường THCS và THPT Lômônôxốp, cho biết đây không phải năm đầu trường tổ chức ngày hội liên môn giúp học sinh có cách tiếp cận kiến thức mới. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trường biến lễ bế giảng thành ngày hội như vậy.
Để chuẩn bị cho chương trình, 120 học sinh tất cả khối lớp (trừ 9 và 12) tập luyện trong khoảng ba tuần. Các em cùng giáo viên lên kịch bản, tuyển diễn viên. Ngoài ra, các em cũng tự chuẩn bị đạo cụ, bài trí sân khấu.
"Để tạo các lô cốt, các em đã bàn bạc với giáo viên, định mua trấu cho vào các bao tải nhưng chi phí quá lớn. Sau đó, các em nghĩ đến việc thực hiện kế hoạch nhỏ, thu gom giấy vụn cho vào bao tải để thay thế. Điều này cho thấy mỗi sự chuẩn bị, dù rất nhỏ, cũng là bài học với các em", cô Nhung nói.
Về kiến thức, với dự án này, cô Nhung cho rằng học sinh được tiếp nhận hoặc ôn luyện kiến thức nhiều môn cùng lúc một cách tự nhiên, vui vẻ. Việc học qua dự án, các hoạt động trải nghiệm đặc biệt hữu ích với Lịch sử - môn học nhiều em e ngại. Theo cô Nhung, bằng cách lồng ghép dạy kiến thức vào các hoạt động như đến thăm các địa điểm lịch sử, bảo tàng, mời các nhân vật lịch sử tới trường chia sẻ, học sinh hứng thú với môn học hơn.
Trong sự kiện "Âm vang Điện Biên Phủ" hôm nay, nhà trường đã mời Đại tá Đặng Đức Song, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đến chia sẻ về những khoảnh khắc đáng nhớ trên chiến trường xưa. Câu chuyện của ông khiến nhiều em khóc, bày tỏ lòng biết ơn, niềm tự hào và tình yêu đất nước.
Ngoài dự án này, quá trình kiểm tra, đánh giá ở trường cũng được đổi mới bằng cách yêu cầu các em viết thu hoạch sau mỗi hoạt động thay vì bài kiểm tra giấy thông thường. "Học sinh yêu Sử hơn sau mỗi hoạt động như vậy", cô Nhung chia sẻ.
Điều này thể hiện rõ trong khảo sát học sinh lớp 9 của trường hồi tháng 4 nhằm phục vụ việc xây dựng tổ hợp môn lựa chọn lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Gần 50% học sinh chọn học môn Lịch sử ở bậc THPT, cao hơn cả Hóa hay Sinh học.
Những hoạt động sáng tạo, đa dạng hóa công việc dạy học như ở Lômônôxốp đang dần được nhiều trường, đặc biệt là khối tư thục, ở Hà Nội và TP HCM áp dụng. Đây cũng là cách được nhiều nhà giáo, chuyên gia đưa ra khi nói về việc đổi mới dạy và học môn Lịch sử.
Phạm An Tiến Khoa, học sinh lớp 8 mới chuyển đến trường Lômônôxốp thừa nhận em yêu thích môn Lịch sử hơn thông qua những hoạt động như hôm nay. "Thay vì phải ngồi nghe phát biểu, trao thưởng rồi xem một số tiết mục văn nghệ như bế giảng những năm trước, em thấy hoạt động này có ích hơn, không nặng nề mà rất thú vị", Khoa hy vọng được trải nghiệm nhiều chương trình tương tự, để dễ dàng tiếp nhận kiến thức các môn học.