Lê Nguyễn Đức Anh hiện là sinh viên năm ba, lớp Anh 2 chất lượng cao, khoa Kinh tế Quốc tế K58. Ở năm thứ hai, Đức Anh học thêm văn bằng hai Kinh tế Đối ngoại và đăng ký học 17 môn, tương đương 51 tín chỉ.
Nhờ biết cách tính toán môn học và sắp xếp thời gian hợp lý, Đức Anh giành hai loại học bổng: sinh viên xuất sắc của trường (hơn 11 triệu đồng) và sinh viên xuất sắc chất lượng cao (6 triệu đồng).
"Em bất ngờ khi giành được hai học bổng như vậy. Em rất vui vì phương pháp học của mình có kết quả và muốn chia sẻ để các em tân sinh viên tối ưu hóa việc học", Đức Anh nói.
Đức Anh từng mông lung không biết học gì, học như thế nào lúc mới bước chân vào đại học. Trong các group của trường thời điểm đó, Đức Anh chỉ tìm thấy những chia sẻ về các hoạt động ngoại khóa mà không có kinh nghiệm học tập của anh chị khóa trên.
Năm đầu tiên, Đức Anh đặt mục tiêu giành học bổng nên luôn có tâm lý cạnh tranh. Việc học trở thành gánh nặng khiến cậu mệt mỏi và đạt điểm số "tệ hại". Tuy nhiên đến năm hai, Đức Anh thay đổi phương pháp, quên chuyện đạt học bổng và học tập với tâm trạng thoải mái nhất.
Cậu dành toàn bộ thời gian trên lớp để tập trung nghe giảng. Nếu có thắc mắc hay chưa hiểu, cậu hỏi lại ngay thầy cô. Học xong bài nào, Đức Anh nắm chắc bài đó. Dù trước thi một ngày mới ngồi giở vở xem lại, Đức Anh vẫn giành điểm A đều đặn. Nhờ cách này, cậu có nhiều thời gian buổi tối để tham gia hoạt động ở câu lạc bộ của trường hoặc làm việc khác mà không phải lo học bài.
Theo nam sinh năm ba, kỹ năng quản lý thời gian là yếu tố quyết định kế hoạch học tập. Cậu thường dùng một số công cụ như Google Calender, Google Sheet... để lập thời gian biểu chi tiết, màu sắc, giúp kiểm soát luồng công việc một cách tốt nhất.
Đức Anh cho hay nhiều sinh viên không để ý trong việc chọn môn và thấy khó khăn khi đăng ký nhiều tín chỉ. Trường cậu khuyến khích sinh viên đăng ký khoảng 30 tín chỉ (10 môn) và tối thiểu từ 15 tín chỉ (5 môn). Để việc đăng ký môn học trở nên nhẹ nhàng, Đức Anh gợi ý chọn xen kẽ các môn, thay vì chỉ môn học thuộc hoặc môn kinh tế, tính toán.
"Em thường chọn ba môn học thuộc, còn lại là môn tính toán. Toán là lợi thế nên em thích học và không thấy khó khăn", Đức Anh nói.
Lúc đầu Đức Anh lo có thể bị trùng lịch thi nhưng sau đó may mắn các môn được sắp xếp giờ khác nhau. Có lần thi ba môn một ngày, cậu vẫn vượt qua không mấy khó khăn và đạt điểm cao nhờ cách học ôn bài ngay trên lớp.
Ngoài kỹ năng quản lý thời gian và cân nhắc đăng ký tín chỉ, nam sinh cũng khuyên nên kết nối với những người bạn để cùng làm việc nhóm và giúp nhau ôn thi.
Nếu năm đầu là để làm quen với cách học và cuộc sống ở giảng đường đại học, từ năm hai, năm ba trở đi, Đức Anh tập trung lên kế hoạch tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để chuẩn bị ra trường. Cậu đánh giá năm thứ ba là thời điểm hợp lý để học thêm tiếng Anh, thi các chứng chỉ quốc tế và chuyên ngành.
"Năm tư mới chuẩn bị là quá muộn, chỉ gây tốn thời gian, công sức và tiền bạc. Thời điểm này bạn dễ bị phân tâm do phải tập trung cho thực tập, khóa luận", Đức Anh phân tích.
Nguyễn Thục Anh, bí thư chi đoàn lớp Anh 2 chất lượng cao, cho hay Đức Anh là sinh viên duy nhất trong lớp học hai văn bằng và thuộc top sinh viên có thành tích học tập tốt trong lớp.
"Đức Anh biết cách cân bằng việc học và hoạt động ngoại khóa rất tốt nên dù bận rộn với lịch học, bạn ấy vẫn có thời gian tham gia hội sinh viên trường, tổ chức các chương trình và đi gia sư", Thục Anh chia sẻ.
Bình Minh