Ông Ôn Thiết Quân, 71 tuổi, học giả nổi tiếng Trung Quốc về chính sách nông nghiệp và nông thôn, đầu tuần này gây chú ý khi với một video lan truyền trên mạng xã hội, đề cao nền kinh tế "hướng tới con người".
Trong video ba phút, ông Ôn đề nghị Trung Quốc thúc đẩy tự chủ kinh tế, chú trọng nền kinh tế nhà nước, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân bằng nguồn lực trong nước và phản đối toàn cầu hóa.
"Chúng tôi coi nền kinh tế hướng tới con người là nền kinh tế tự chủ, phát triển độc lập và chứa đựng yếu tố yêu nước", ông nói trong video, vốn được thực hiện trong một cuộc phỏng vấn vài tháng trước.
Đây không phải lần đầu tiên ông Ôn thúc đẩy khái niệm này. Ông từng ủng hộ "nền kinh tế đỏ", chú trọng vai trò của các doanh nghiệp nhà nước, trong một hội nghị học thuật hồi tháng 7/2021.
Quan điểm của ông Ôn lập tức hứng nhiều chỉ trích từ các nhà đầu tư và những người ủng hộ cải cách kinh tế Trung Quốc, nổi bật trong số đó là Hướng Tùng Tộ, nhà kinh tế nổi tiếng từng làm việc tại Đại học Nhân dân Trung Quốc (RUC) ở Bắc Kinh.
Ông Hướng, cựu nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc (ABC), người đứng đầu Viện Nghiên cứu Tài chính Vùng Vịnh lớn ở Thâm Quyến, đăng bài viết trên mạng xã hội WeChat, cho rằng các đề xuất của ông Quân về cơ bản sẽ "xóa sổ 4 thập kỷ cải cách và mở cửa của Trung Quốc".
"Nền kinh tế 'hướng tới con người' thực chất là một xảo ngữ lừa gạt mọi người nhân danh con người", ông Hướng viết. "Cái mà ông ấy gọi là 'phát triển độc lập' khác nào đóng cửa biên giới. Chủ trương địa phương hóa chẳng phải là thúc đẩy tự cung tự cấp sao?", chuyên gia này viết, cho rằng quan điểm của ông Ôn trên thực tế là lời kêu gọi quay lại với thời kỳ Trung Quốc chú trọng vào các tập đoàn nhà nước quy mô lớn.
Sau khi bài viết lan truyền rộng rãi trên mạng, ông Hướng xác nhận tính xác thực của nó. "Tôi nghĩ rằng ông Ôn đã đi quá xa", nhà kinh tế này nói. Trong khi đó, ông Ôn không phản hồi yêu cầu bình luận.
Không giống như các bài đăng gây nhiều tranh cãi nhanh chóng bị kiểm duyệt, video của ông Quân và bài viết của ông Tô không bị xóa trên mạng xã hội Trung Quốc.
Cuộc tranh luận giữa hai học giả kinh tế hàng đầu diễn ra trong bối cảnh các nhà đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc đang chờ đợi những thay đổi lớn về chính sách của nước này trong đại hội đảng Cộng sản lần thứ 20 sẽ khai mạc vào ngày 16/10.
Kinh tế Trung Quốc thời gian qua đối mặt nhiều khó khăn, sau ba năm nước này áp dụng các biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt, với nhiều lệnh phong tỏa được áp đặt. Môi trường quốc tế cũng diễn biến phức tạp với ảnh hưởng từ chiến sự Ukraine, căng thẳng Tân Cương, vấn đề Hong Kong và Đài Loan, cũng như tài chính toàn cầu hỗn loạn.
Trên các website chính thức của chính phủ Trung Quốc, cải cách và mở cửa vẫn là chính sách kinh tế quốc gia. Thủ tướng Lý Khắc Cường hồi tháng 3 khẳng định chính sách này của Trung Quốc sẽ không thay đổi, "cũng như dòng chảy của sông Dương Tử và sông Hoàng Hà sẽ không bị đảo ngược".
Ông Lý tiếp tục nhắc lại điều này trong chuyến thăm Thâm Quyến tháng trước, nơi ông tới viếng cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, người đã mở cửa Trung Quốc với thế giới vào cuối những năm 1970.
Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 được coi là một trong những hoạt động quan trọng nhất trong đời sống chính trị của nước này. Đại hội sẽ đề ra những phương hướng quan trọng với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong 5 năm tới. Các đại biểu cũng sẽ đề ra chính sách ứng phó với tình trạng quan hệ quốc tế xấu đi, thúc đẩy thịnh vượng chung và hồi phục tăng trưởng kinh tế.
Nền kinh tế Trung Quốc đang vật lộn để bình ổn trở lại sau khi chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý hai năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến niềm tin của các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài giảm đáng kể. Phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc tuần trước cảnh báo rằng quốc gia này đang mất đi sức hấp dẫn từng có với các nhà đầu tư bên ngoài.
Kinh tế Trung Quốc năm nay có thể tăng trưởng dưới 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% đã đề ra, do ảnh hưởng của các biện pháp chống dịch và bất định trong môi trường quốc tế.
Đức Trung (Theo SCMP, AFP, Xinhua, Economist)