Theo Straits Times, giáo sư Alfred Peng Peigen từ trường kiến trúc của Đại học Thanh Hoa là người dẫn đầu chiến dịch vận động, bắt đầu từ tuần này ở Bắc Kinh.
Có ít nhất 8 người khác đã ký tên, có thể kể đến như cựu hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa Gu Binglin, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc Zhang Qi, và chuyên gia ngoại giao của Đại học Nhân dân Jin Canrong. Tiến sĩ Chang Jen-Hu, chủ tịch Đại học Văn hóa Trung Quốc, một trường đại học tư nhân ở Đài Loan, cũng ký tên vào bản đề nghị.
Bản đề xuất nói rằng cuộc họp đầu tiên giữa hai lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan kể từ năm 1949 mang ý nghĩa quan trọng đối với cả hai bên cũng như hòa bình thế giới.
Phát ngôn viên Ma Xiaoguang thuộc văn phòng phụ trách Đài Loan của Trung Quốc đại lục cho rằng, động thái phi chính phủ này thể hiện cuộc họp của hai nhà lãnh đạo tại Singapore vào đầu tháng 11 được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
"Việc này cũng khẳng định sự phát triển hòa bình của quan hệ hai bờ eo biển kể từ năm 2008", ông nói.
Đề cử cho giải Nobel Hòa bình chỉ có thể được chọn bởi những người từng chiến thắng, thành viên Ủy ban Nobel Na Uy, ban giám khảo, nghị sĩ và các giáo sư. Quá trình đề cử kết thúc vào ngày 1/2 hàng năm.
Phương Vũ