Học giả Lý Lệnh Hoa 66 tuổi, cựu nghiên cứu viên Trung tâm nghiên cứu Hải dương Quốc gia Trung Quốc. Ảnh: Blog.sina |
Trong bài viết "Trung Quốc không nên nhắc đến đường 9 đoạn trong vấn đề biển Nam Trung Hoa (Biển Đông)" được đăng trên trang cá nhân Sina Weibo, học giả Lý Lệnh Hoa, nhà nghiên cứu lâu năm về biển và luật biển, một lần nữa phản đối việc Trung Quốc dùng "đường lưỡi bò" làm cơ sở để giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông với các nước láng giềng.
Theo ông Lý, mẫu hộ chiếu mới ban hành của Trung Quốc có vẽ thêm đường 9 đoạn gây ra những phiền phức không đáng có, dù Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định không nhằm vào nước nào. Học giả này cho rằng đường 9 đoạn là một đường mơ hồ, không liên tục, không có kinh độ vĩ độ, không có căn cứ và giá trị pháp lý.
Ngoài việc vẽ bản đồ vô lý trên hộ chiếu, các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng đang đi theo hướng sai lầm khi ủng hộ và công nhận "đường lưỡi bò", ông Lý nhận định.
Ông phản bác bài xã luận trên Hoàn cầu Thời báo ngày 5/12 về việc khai thác dầu mỏ trong phạm vi đường 9 đoạn, cho rằng bài xã luận này chỉ gây phiền phức và rối ren cho việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Ông cũng nói rằng sách của tác giả thuộc Bộ Ngoại giao mới xuất bản năm 2011 và quan điểm trong hội nghị về Luật biển trong năm ngoái của các học giả Trung Quốc không công nhận tranh chấp, cho rằng các quần đảo trong phạm vi đường 9 đoạn đều thuộc quyền lợi của nước này, đều là những quan điểm sai lầm.
Những quan điểm trên, theo ông Lý, là đã bỏ qua những khái niệm xuất hiện trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển về khái niệm đường cơ sở, thềm lục địa hay vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc cần cập nhật các khái niệm này vào tình hình trên Biển Đông, không được "coi đường 9 đoạn là đường lịch sử", đây là một quan điểm đã lỗi thời và là sai lầm.
Đường 9 đoạn được chính quyền Quốc dân đảng ở Trung Quốc nêu ra lần đầu tiên năm 1947, không dựa trên căn cứ luật pháp. Mới đây Trung Quốc đã đưa đường này vào các yêu sách chủ quyền của họ. Đường 9 đoạn ôm gần như toàn bộ Biển Đông, toàn bộ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lấn cả vào vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước khác.
Ông Lý đề xuất nên căn cứ vào vùng đất liền hoặc những đảo lớn và từ đó khai thác vùng biển trong phạm vi 200 hải lý theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và "đừng lôi khái niệm đường 9 đoạn ra nữa".
Đường lưỡi bò trên bản đồ do Trung Quốc tự vẽ và không được các nước liên quan công nhận. Đồ họa: Economist |
Trung Quốc mới đây ban hành mẫu hộ chiếu mới có in bản đồ nước này và vẽ thêm "đường lưỡi bò", đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, cùng đảo Đài Loan và hai vùng lãnh thổ tranh chấp với Ấn Độ, gây nên sự phản đối từ các bên và chính người dân, học giả trong Trung Quốc.
Ấn Độ ban hành một mẫu visa riêng in bản đồ Ấn Độ có hai vùng đất tranh chấp với Bắc Kinh để cấp cho công dân Trung Quốc. Việt Nam từ chối đóng dấu chứng thực cho các công dân Trung Quốc có hộ chiếu in "đường lưỡi bò", mà thay vào đó cấp một thị thực rời cho những người này. Philippines cũng từ chối đóng dấu vào hộ chiếu mới của Trung Quốc và thay thế bằng cách tương tự.
Mỹ nói nước này vẫn chấp nhận hộ chiếu mới của Trung Quốc như một giấy thông hành hợp lệ, tuy nhiên kể cả khi người mang hộ chiếu có bản đồ gây tranh cãi đó được cấp visa, cũng không có nghĩa là Mỹ công nhận bản đồ đó. Mỹ cũng tỏ ra quan ngại về tấm bản đồ và dự định nêu vấn đề này với Trung Quốc, để tránh gây lo lắng và căng thẳng cho các nước trong khu vực Biển Đông.
Vũ Hà